Trong nước

GS Võ Tòng Xuân: Chúng ta sẽ ăn Tết cổ truyền theo lịch dương như Nhật Bản

Giáo sư Võ Tòng Xuân - người 11 năm trước làm “nóng” dư luận khi đề xuất gộp tết ta vào tết tây - cho biết, đã có những "tín hiệu cho thấy sự thay đổi" và ông tin rồi Việt Nam sẽ ăn Tết cổ truyền theo lịch dương như Nhật Bản.

Giáo sư Xuân nói: "Tôi vẫn bảo lưu quan điểm về Tết hội nhập. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác trên thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê. Chúng ta đang là một nước nghèo so với phần còn lại của thế giới, làm thế nào để đất nước có thể bắt được những dòng chủ lưu của nhân loại?"


Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh CafeF

- 11 năm trước, đề xuất đón Tết cổ truyền theo dương lịch của giáo sư đã tạo ra những tranh luận, giờ giáo sư có quan điểm khác về vấn đề này không?

Không! Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình!

Tôi cho rằng đã có những tín hiệu báo hiệu sự thay đổi. Những hoạt động trong ngày Tết dương lịch năm nay ở các tỉnh, thành phố lớn như đếm ngược đồng hồ đợi khoảnh khắc giáp canh, hay việc lãnh đạo Nhà nước có thông điệp đầu năm mới… Tôi thấy mình đã tiếp cận thế giới một cách giống người ta. Tức là, mình đã tổ chức đón mừng năm mới theo dương lịch như là các nước trên thế giới.

Tôi rất mừng là Chính phủ chúng ta hiện nay, tôi gọi là Chính phủ “của thời kỳ Đại hội 12” có nhiều cái mới, đem lại hy vọng về nhiều thứ.

Tôi nghĩ, từ từ chúng ta sẽ chuyển sang ăn Tết cùng ngày với thế giới. Và, từ từ rồi chúng ta cũng sẽ nhận ra mình có thể làm được như Nhật Bản cuối thế kỷ 19 là chuyển sang ăn Tết tây. Nhật Bản bây giờ, nhờ thế mà từ nước Á Châu đã trở thành cường quốc kinh tế.

- Giờ nhìn lại giáo sư thấy người ta phản đối mình vì những điều gì?

Từ thời điểm bài viết nhan đề “Tết “hội nhập,” tại sao không?” của tôi được báo chí đăng tải, tôi nhận được nhiều tranh luận. Tôi rất mừng khi số ý kiến ủng hộ ngày càng nhiều hơn trước, nhất là khi các ý kiến ấy mới được nêu trong thời gian gần đây. Tuy nhiên cũng có những ý kiến không đồng tình, lo sợ rằng việc ăn Tết hội nhập có thể làm mất bản sắc văn hoá dân tộc, không hợp tiết trời…


- Giáo sư phản biện họ ra sao?

Tôi thấy phần lớn người phản đối là người Việt Nam ở nước ngoài, chắc là những người có thời gian nghỉ lâu, không có nhiều việc làm, họ cho rằng nghỉ Tết lâu là cần thiết.

Hay như rất nhiều bà con mình trong nông thôn họ cũng muốn có ngày Tết dài ra, nhưng mà từ từ chúng ta sẽ thấy, ai cũng sẽ có việc làm hết, khi đã có việc làm, nhu cầu việc làm sẽ đòi hỏi mình phải chăm chú đầu tư cho việc làm, thay vì vui chơi.

Thực ra khi kinh tế Việt Nam mình mạnh hơn nữa, chắc chắn chúng ta sẽ thấy rằng không có thì giờ để mà vui chơi, rượu chè, bài bạc mà phải tập trung lo làm việc để có kết quả kinh tế cao hơn.

Có một điều mà tôi thấy rất đáng mừng là những người ủng hộ đã tăng lên rất nhiều và phần lớn đều thuộc thành phần trí thức, có công ăn việc làm ổn định, sự nghiệp thành đạt.

- Ở góc độ văn hoá giáo sư có nghĩ rằng bỏ Tết Nguyên đán sẽ khiến phai nhạt văn hoá truyền thống?

Chúng ta đừng sợ đánh mất bản sắc dân tộc. Tôi nhớ có đọc câu thơ của cụ Tố Hữu: “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta”.

Thực tế, thay vì mùng một Tết ta mình làm mùng một Tết tây. Tết cổ truyền theo lịch dương đơn giản chỉ là thay đổi thời điểm, thói quen chứ bản chất sự việc đâu có gì khác nhau.

- Có ý kiến cho rằng việc gộp Tết không đủ sức nặng để kéo một nền văn hóa, một quốc gia tụt lại trong quá trình hội nhập, giáo sư nghĩ sao?

Thế giới ngày nay thay đổi rất nhanh, để vượt qua các thách thức, chúng ta phải tận dụng chắt chiu từng cơ hội.

Tôi lấy ví dụ, trên thị trường chứng khoán, người ta thấy rõ ràng làm ăn đầu tư chỉ trong vòng vài phút, giá thay đổi là chứng khoán thay đổi liền.

Khi người ta làm việc mà mình nghỉ thì mình bỏ rất nhiều cơ hội. Hoặc khi mình làm mà họ nghỉ thì cũng chịu nhiều thiệt thòi. Chừng nào mình giàu như họ rồi hay nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi.

Tôi thông cảm cho nhiều ý kiến phản đối. Mình muốn ăn Tết theo Trung Quốc nhưng theo Trung Quốc thì tục lệ cổ truyền mình lâu quá rồi, mấy ngàn năm rồi, cứ theo họ hoài thì lệ thuộc vào nền văn hoá cũ.

Khi mọi người đều có việc làm hết, sẽ thấy rằng thì giờ để ăn Tết sẽ rất phí nếu chúng ta kéo dài quá lê thê, làm hai Tết càng phung phí.

Để tận dụng các cơ hội, để có thể làm giàu thì chúng ta cũng phải suy nghĩ lại.

- Gia đình, người thân, bạn bè giáo sư quan điểm ăn Tết âm hay dương?

Mấy Tết gần đây, Tết dương lịch hay Tết âm gia đình tôi cũng ăn Tết cho có chứ vẫn làm việc. Ví dụ, Tết dương này đó, tôi cũng đi qua Lào công tác, sáng mùng một mình ăn Tết với anh em rồi đi ra đồng. Còn Tết âm tôi dự kiến đi châu Phi, làm những việc trong năm chưa còn dang dở.

Nói chung là Tết âm tôi không ăn nhiều đầu, đến cơ quan, chúc Tết lãnh đạo, thăm cán bộ của mình rồi về làm việc. Tức là trọn trong ngày mùng 1 đó làm cái đó, còn mùng 2 vẫn làm việc bình thường.

Quan điểm của tôi được nhiều bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ.

- Chủ trương ăn Tết âm lịch theo dương lịch, vậy các lễ hội truyền thống đầu xuân thì sao, thưa giáo sư?

Những thứ thuộc về bản sắc dân tộc (lễ nghi, thủ tục như cúng tổ tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi người lớn, lì xì trẻ con...) phải gìn giữ, phát huy nhưng giữ ở mức độ nào đó thôi chứ nguyên xi thì sẽ không thể hội nhập được.

Quan điểm của tôi về lễ hội là nên gói gọn, không rườm rà, không ảnh hưởng đến kinh tế và bản sắc văn hóa.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Tác giả bài viết: Hoà Bình (thực hiện)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok