Giáo dục

GS Nguyễn Lân Dũng và 1001 chuyện "cười ra nước mắt"

Là khách mời chương trình Hotface, Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã có những tiết lộ thú vị về những câu chuyện đêm tân hôn "khó đỡ", về người cha cũng như mối quan hệ của những người con trong dòng họ Nguyễn Lân.

Clip Giáo sư Lân Dũng kể những chuyện ''cười ra nước mắt"

Clip Giáo sư Lân Dũng nói về bố và những anh em gia đình.

Xem toàn bộ chương trình về GS - Nhà giáo nhân dân Lân Dũng.


Nhà báo Hà Sơn: Thưa giáo sư, khán giả cả nước đã biết đến ông với những chương trình truyền hình như KCT, "Hỏi gì đáp nấy", trong buổi trò chuyện hôm nay liệu ông sẵn lòng bộc bạch nhiều điều, giải quyết nhiều thắc mắc?

GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng:Tôi là người công chúng nếu là "Hỏi gì đáp nấy” các bạn cứ thoải mái hỏi, biết đến đâu tôi trả lời đến đấy.

Nhà báo Hà Sơn: Đến thời điểm này ông có liên tục nhận được thắc mắc của khán giả hay không? Có thắc mắc nào khiến ông ấn tượng và vẫn mải miết đi tìm câu trả lời cho nó?

GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Trò chuyện với bạn tôi phải tắt điện thoại, nếu không sẽ không trả lời được vì họ hỏi suốt ngày. Tôi là chủ nhiệm chương trình "Tự nguyện vì tiến bộ khoa học kĩ thuật" của hội nông dân và nhiều người biết tôi qua 3 khóa quốc hội cùng chương trình KCT kéo dài đến 10 năm nên câu hỏi nhiều vô kể.

Có nhiều câu hay, tuy nhiên cũng có câu buồn vì hiểu biết của người hỏi. Có em bé gái 13, 14 tuổi gọi điện cho tôi khóc nức nở bảo: "Bác ơi, cháu còn trẻ nhưng chắc chết sớm bởi tháng trước cháu đã bị, tháng này cháu lại bị lại". Nghĩa là cháu nó không hiểu gì, bố mẹ cũng không dạy, không giáo dục về giới tính, nhà trường phổ biến không đến nơi đến chốn.

Hay có chị mới lấy chồng bảo: "Em thề với giáo sư, em chưa làm gì nhưng đêm tân hôn chồng đánh em". Tôi bảo để tôi viết thư cho chồng chị. Và trong thư tôi nói có bộ phim người ta có cảnh dải khăn trắng xong sáng hôm sau như đổ mực đỏ. Tôi bảo không phải như thế, có những người thấy rất ít, không rõ đâu.

Bạn tôi biết câu chuyện này nói: "Nó điêu mà ông cũng giúp". Tôi bảo: "Giúp được cái nào hay cái ấy, điêu cũng được". Khi nhận được thư của tôi, người chông của chị thắc mắc có viết thư trả lời tôi cảm động lắm, có ý: "Con ngu dốt con đánh vợ con, con đã xin lỗi vợ con rồi". Nói chung nhiều chuyện vui lắm, kể không hết được, tôi thấy mình gắn bó được với nhân dân và họ tin tưởng mình.

Nhà báo Hà Sơn: Những thắc mắc của mọi người gửi đến giáo sư, bằng cách này hay cách khác giáo sư luôn tìm câu trả lời. Vậy có khi nào đi tìm câu trả lời ông gặp những sự khó khăn từ những người bạn, đối tác làm việc?

GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Tôi tốt nghiệp đại học cách đây 60 năm, bạn bè đều là những người giỏi, người tốt nên tôi hỏi ai cũng sẵn sàng trả lời. Tất nhiên có những người ngại bảo để tao phải tra cứu đã hỏi ngay trả lời thế nào được. Có khi tôi tìm tài liệu lấy còn nhanh hơn bởi bây giờ thời đại internet, tôi lại chịu khó học tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc nên vào mạng gì chả có.

Tôi chỉ sợ những câu hỏi dễ thôi, ví dụ như trứng cá, mụn cơm hỏi mãi chán lắm. Tôi thích hỏi khó để mình tìm kiếm câu trả lời mới hay được, luôn luôn phải cập nhật thông tin. Ví dụ hỏi Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người bị ung thư và những con số kinh khủng cho thấy nguy hại quá.

Hay có câu hỏi: ''Rau có sâu cắn lỗ chỗ có tin được không?", tôi bảo: "Không tin được, họ để cho sâu cắn lỗ chỗ rồi mới phun thuốc đấy!". Vì nhiều người hỏi nên tôi phải có một danh sách sẵn để lúc người ta cần mình phải hỏi. Nấm hỏi ai, về cá, về lợn mình biết ngay nên hỏi ai. Những bạn bè hay học trò tôi đều là những chuyên gia, những học trò những khóa đầu đều thành giáo sư. Họ giỏi lắm!

Nhà báo Hà Sơn: Ai cũng biết, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng làm việc, giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc Gia Hà Nội. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong mắt học trò là người như thế nào?

GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng:Tôi dạy tổng hợp từ khóa 1, từ năm 56, 57 sau khi tốt nghiệp, học sinh thường lớn tuổi hơn tôi. Vừa rồi tôi có dự một buổi rất cảm động, các con của chị Đặng Hồng Miên (học trò tôi đã mất) làm cuốn sách tập hợp các công trình nghiên cứu của chị và nhờ tôi viết lời giới thiệu.

Trong lời giới thiệu, tôi có kể một câu chuyện khi tôi làm giáo viên Đại học Tổng hợp, chị Hồng Miên là sinh viên nhưng hơn tôi 10 tuổi. Một lần khi tôi được phân công đưa lớp chị đi lao động thì bị mắng: "Này lớp của chị, không phải lớp của em", sau đó biết tôi là thầy giáo, chị ngượng xin lỗi.

Các học sinh của tôi nay nhiều người mất rồi, còn nhiều sinh viên là giáo sư, chuyên gia đầu ngành. Tôi thấy tự hào vì các bạn trưởng thành, có những bạn chuyển ngành, có người là nhà văn, đạo diễn ảnh, doanh nhân, mỗi người một vẻ nhưng phần lớn thành đạt, điều đó làm tôi tự hào.

Nhà báo Hà Sơn: Với các bạn trẻ, giáo sư muốn nhắn nhủ điều gì?

GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn tôi, không phải con hơn cha mà cả thế hệ bây giờ hơn mình. Như con trai tôi, bây giờ cháu nổi tiếng về mổ, có thể mổ nhiều ca một ngày, điều đó không phải cháu giỏi hơn các giáo sư cũ mà thời thế tạo anh hùng, công nghệ can thiệp tim mạch bây giờ khác xưa, có thể đưa tất cả lên màn hình và đi qua các mạch máu trong tim.

Có lẽ khoa học tự nhiên khác khoa học xã hội, khoa học xã hội những sách báo càng cũ càng quý, thầy càng già càng nhiều kinh nghiệm, khoa học tự nhiên lại khác, nhanh và luôn luôn đổi mới nên thế hệ học sinh của tôi hiện nay giỏi giang.

Nhà báo Hà Sơn: Ở Việt Nam, những gia đình giàu có về tiền bạc rất nhiều nhưng những gia đình giàu có về tri thức như gia đình nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân lại không nhiều. Người bố của giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đã ảnh hưởng đến cách giáo dục cũng như ứng xử trong đời sống của giáo sư như thế nào?

GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Bố tôi xuất thân rất nghèo ở Hưng Yên. Bố đỗ đầu Cao đẳng Sư phạm vì học giỏi, được học bổng học lên. Bố tôi làm việc đến tận những ngày cuối cùng. Tôi không thể tưởng tượng cuốn từ điển cuối cùng mà cụ viết Từ và Ngữ Tiếng Việt dày 2200 trang mà bắt đầu từ năm 90 tuổi mà năm 95 tuổi hoàn thành. Mỗi một từ ông lại viết một câu. Cụ ghi chép từ bao giờ các câu của các lãnh đạo, của các nhà văn, văn thơ cổ, mỗi từ lại có ví dụ.

Đến năm 95 tuổi cụ mới viết xong cuốn sách và năm 98 tuổi qua đời nên phải nói tấm gương đó tác động rất nhiều đến tôi. Mẹ tôi khác hẳn, con nhà giàu, ông ngoại giàu nhất nhì Bắc Bộ và là một trong 2 người cùng ông Trịnh Văn Bô đóng góp nhiều nhất trong Tuần lễ vàng của Bác Hồ. Mẹ lấy bố khi còn rất trẻ 17, 18 tuổi rồi theo bố vào Huế tách hẳn gia cảnh giàu sang của gia đình.

Sau 2 cuộc kháng chiến, khó khăn vô cùng nhưng bố mẹ đã nuôi 8 đứa con thành người, tấm gương của bố mẹ đã động viên bọn tôi. Tôi và vợ cũng tham gia chiến trường, cuộc sống gia đình bố mẹ gương mẫu và sống trong xã hội lành mạnh tác động đến chúng tôi. Giáo dục của bố mẹ rất tốt bởi không bao giờ đánh con, thậm chí chưa bao giờ nghe bố mẹ nói nặng bao giờ. Bố mẹ rất gương mẫu trong mọi lĩnh vực, luôn có những lời khuyên nên thấy ai nói xấu đất nước cụ bực lắm, cụ luôn luôn bênh vực mặc dù đất nước có những cái tồn tại.

Phải nói những hình ảnh đó làm tác động đến nên tôi luôn luôn khuyên con, thuyết phục con bằng mọi cách, làm bạn với con. Môi trường ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và tài năng của con cái. Tôi suy từ gia đình, cách giáo dục của bố mẹ và chúng tôi học tập. Chúng tôi không hút thuốc lá vì nó không có lợi, bố tôi từng nói: "Bố không hút sao các con lại hút", những cái đó làm ảnh hưởng đến thế hệ sau.

Nhà báo Hà Sơn: Trong một gia đình đông con, anh chị em đến 8 người mỗi khi có việc ai là người quyết định chính? Giáo sư hay tâm sự với người anh hay người em nào nhất trong gia đình mình?

GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng: 8 anh chị em tôi hiện nay còn 6 thôi. Anh và chị tôi đã mất nhưng đông các con cháu. Những lần giỗ, Tết họp mặt, có khi đến 10 mâm, mượn cả hộ bên cạnh nhà cũ của bố mẹ mới đủ chỗ ngồi. Nếu muốn chụp ảnh phải sang trường Tiểu học bên cạnh. Ngoài việc họp mặt nhau đông như thế bọn tôi thường ăn cơm với nhau, một em nào đó có nhà mới lại mời các anh đến, hoặc nhà nào con có thành tích gì đó lại mời đến ăn cơm. Vừa ăn cơm, vừa trò chuyện chúng tôi hỏi ý kiến hay góp ý nói chuyện với nhau thường xuyên rất thân mật, dễ dàng không có gì phức tạp vì anh em hiểu nhau và cũng thường xuyên nhắc nhở nhau.

Tác giả bài viết: Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok