Giáo dục

GS Nguyễn Đăng Mạnh từ giã cõi đời

Sau một thời gian lâm bệnh, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã từ trần vào chiều ngày 9/2/2018, hưởng thọ 89 tuổi.

Chị Trang Nhung, giáo viên một trường THPT chuyên cho hay khi nghe tin, chị và nhiều cựu sinh viên của khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội cảm thấy trống trải, như mất đi một điểm tựa "vì thấy mất đi một bản lĩnh kẻ sĩ, nhân cách trí thức và một nghệ sĩ tài hoa".

GS Nguyễn Đăng Mạnh (áo đen) và nhà văn Hoàng Ngọc Hiến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

GS. NGND Nguyễn Đăng Mạnh (1930) là một nhà giáo, giáo sư văn chương, nhà phê bình văn học Việt Nam. Ông cũng là một nhà giáo nổi tiếng với nhiều thế hệ học trò.

Thiếu thời, ông theo học trường Chu Văn An, Hà Nội. Sau đó, ông theo học trường trung cấp sư phạm ở Tuyên Quang và bước vào nghề giáo. Năm 1960, Nguyễn Đăng Mạnh được giữ lại trường ĐH Sư phạm Hà Nội làm cán bộ giảng dạy. Từ đó, ông bắt đầu viết nghiên cứu và trở thành nhà nghiên cứu phê bình.

Ông từng làm chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ông là chủ biên sách giáo khoa văn học lớp 11 và 12 chương trình cải cách giáo dục 1980-1992.

GS Nguyễn Đăng Mạnh được coi là nhà nghiên cứu đầu ngành về văn học Việt Nam hiện đại.

Trong hơn nửa thế kỷ, ông không ngừng hoạt động trên 2 lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu văn học.

Ngay từ những năm 1987-1990, trong thời kỳ đổi mới văn học, ông đã đưa ra những biện pháp giáo dục và nghiên cứu mới, tách rời chính trị ra khỏi văn học…

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh đến việc cần phải nhận định lại các giai đoạn văn học sử, định vị lại giá trị tác phẩm theo tiêu chuẩn văn học.
Những công trình nghiên cứu của ông về Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, v.v… nói lên phong cách phê bình độc đáo của Nguyễn Đăng Mạnh.

Trong cuốn "Một tiến trình vào nghiên cứu phê bình văn học", nhà lý luận văn học Hoàng Ngọc Hiến - nguyên hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du đã viết về GS Mạnh với những lời trân trọng:

"Thành đạt lớn nhất của anh là bằng con đường tự đào tạo từ một trí thức bình dân trở thành một trí thức thực học”.

Còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng Nguyễn Đăng Mạnh là người “đọc” tinh các nhà văn “Đọc được cái tạng ấy của từng người cầm bút là cái tài của người phê bình”.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong kể về GS Nguyễn Đăng Mạnh như sau:

"Ông là một nhà phê bình không chỉ chú mục vào “tầm chương, trích cú”. Ông là một nhà văn đầy sáng tạo. Đọc “Văn học Việt Nam hiện đại - những gương mặt tiêu biểu” cũng như cuốn hồi ký, thực lòng tôi thấy hấp dẫn hơn cả nhiều nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết. Chỉ một vài trang, thậm chí một vài dòng ông đã lột tả được cái tạng, cái hồn của người mà ông viết. Ông thực sự là một nghệ sỹ lớn".

Chia sẻ với VietNamNet, PGS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết:

“Tôi không phải là người học văn nhưng tôi biết về GS Nguyễn Đăng Mạnh qua anh Thanh con trai của ông và gặp ông qua việc tiếp xúc với các học trò. Trong số học trò thành đạt của ông, có những người cùng thế hệ tôi như các anh Bùi Mạnh Nhị, Bạch Văn Hợp, Hoàng Văn Cẩn, Châu La Việt, cả những người chưa bao giờ là học trò của ông như anh Vu Gia. Tất cả những người mà tôi biết đều rất kính trọng tài năng của ông. Những buổi tiếp xúc với ông không nhiều (nói chính xác là 2 - 3 lần gì đó, trong đó một lần nhà riêng của con trai ông và một lần ăn cơm tối cùng ông với anh Đỗ Ngọc Thống và những học trò ông ở Sài Gòn).

Hôm đó, chúng tôi nói về nhiều chuyện, kể cả chuyện sách giáo khoa và chương trình phổ thông Ngữ văn mà ông tham gia với vai trò chủ biên SGK ngữ văn lớp 11-12 cách đây hơn 30 năm. Ông đã bị một số người cho là không thành công trong vai trò chủ biên. Cá nhân tôi thì không nghĩ vậy. Chủ biên một bộ sách, lại là người có nhiều tâm huyết về bộ môn văn như ông thì chuyện làm sách không phải là thú chơi. Nó là công việc của nhà khoa học, nên cá nhân tôi rất kính trọng ông khi ông đảm nhận vai trò đó.

Sau này gặp, tôi thấy ông là một người rất hài hước. Khi nói chuyện, tôi luôn cảm nhận được sự trân trọng của ông dành cho thế hệ học trò. Ông khuyến khích họ trong việc đảm nhiệm các công việc mà ông đã làm".

Ông luôn quan niệm rằng văn chương là văn chương, văn chương là hình tượng, thông qua hình tượng, văn chương đích thực phải có giá trị thẩm mỹ cao. Ông đã thể hiện nhất quán quan điểm này trong khi soạn sách giáo khoa, cũng như trong giảng dạy, bất chấp mọi lời phê phán. Ông là một nghệ sỹ thực sự, cả trong cách sống, trong việc giáo dục con, luôn hướng các con mình đến những giá trị tinh thần, những giá trị thẩm mỹ cao đẹp của cuộc sống.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Tác giả: Lê Huyền - Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok