Trong hai ngày 14 và 15/12, Bộ Giáo dục Hàn quốc, thời báo Kinh tế Hàn Quốc và Bộ GD&ĐT Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017 tại Hà Nội.
GS Ngô Bảo Châu là người đứng đầu nhóm tư vấn của Bộ GD&ĐT, với sự hỗ trợ kỹ thuật của World Bank, với các thành viên PGS Trần Ngọc Anh, TS Nguyễn Thị Lê Hương, TS Phạm Hùng Hiệp... Tại diễn đàn này, ông đã đưa ra những con số cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.
Theo bảng xếp hạng 400 trường đại học hàng đầu của châu Á do tổ chức QS xếp hạng, Việt Nam có 5 trường. Malaysia có 27 trường, Indonesia 17 trường, Thái Lan 16 trường, Philippines 6 trường.
Số lượng bài báo khoa học "made in Việt Nam" được đăng tải trên các tạp chí của Scopus năm 2016 cũng thấp hơn các nước trong khu vực. Đứng đầu là Malaysia với 28.546 bài, Singapore 19.992 bài, Thái Lan 14.176 bài, Indonesia 11.470 bài, Việt Nam 5.563 bài và Philippines 2.642 bài.
GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại Nguồn nhân lực toàn cầu 2017. Ảnh: VietNamNet. |
Theo GS Ngô Bảo Châu, thách thức đầu tiên với giáo dục đại học Việt Nam là hệ thống quản trị kém hiệu quả. Bên cạnh đó, theo khảo sát của World Bank, mức đầu tư trên đầu sinh viên của Việt Nam rất thấp so với các nước Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia.
Năm 2013, mức này của Việt Nam là 645 USD/sinh viên, trong khi ở Singapore là 12.013 USD/sinh viên, gấp gần 20 lần.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng ba trụ cột của giáo dục đại học hiện nay gồm quản trị, tài chính và năng lực hệ thống. Đối với quản trị, chúng ta cần cân bằng giữa tự chủ đại học và quản lý Nhà nước.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những bất cập trong chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay được thể hiện bằng các con số như năng lực cạnh tranh thấp. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4% của Singapore, 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan, 48,5% của Philippines và 48,7% của Indonesia. |
Mô hình hệ thống đại học và cao đẳng cần thống nhất, cùng với bộ tiêu chí rành mạch, để đảm bảo cho hiệu quả của quản lý Nhà nước (quản trị, giám sát), hướng tới nâng chất lượng của cả hệ thống.
GS Châu đề xuất nâng cao hiệu quả ngân sách dành cho đại học và cao đẳng bằng cách chuyển từ hình thức cấp kinh phí chi thường xuyên sang hình thức đặt nhiệm vụ ưu tiên (đào tạo, nghiên cứu) thông qua quy trình cạnh tranh công bằng. Đồng thời, việc đảm bảo cơ hội tiếp cận bằng quỹ học bổng và tín dụng sinh viên là cần thiết.
Về năng lực hệ thống, Việt Nam cần có khung pháp lý để khuyến khích đầu tư tư vào đại học, cao đẳng.
Cần thiết kế bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư; thiết kế bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học; thiết kế thị trường lao động ở đại học cao đẳng theo hướng mở và cạnh tranh; thống nhất và đơn giản hoá hệ thống tên gọi và chức danh.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Việt Nam đã xác định phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm việc tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo đạt trình độ quốc tế và đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao trong những ngành trọng điểm đạt trình độ của các nước tiên tiến. |
Tác giả: Huệ Nguyễn
Nguồn tin: zing.vn