Theo đó, GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tích cực.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025. |
Tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, nhiều dự án giao thông quan trọng liên kết các huyện miền núi với trung du, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thúc đẩy khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh.
Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, với tốc độ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 12,65% (cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết là 9,6%). Riêng năm 2023, năng suất lao động xã hội bình quân ước đạt 101,5 triệu đồng/người, tăng 20,7 triệu đồng so với năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ.
Giai đoạn 2021-2023 đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỷ đồng và 366,7 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Thu NSNN tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Các chỉ số cải cách hành chính PAPI, SIPAS, PAR INDEX tăng mạnh, thứ hạng luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Điển hình như năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, tăng 19 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước, tăng 8 bậc….
Thực tiễn trên đòi hỏi cần nhiều cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh để vượt qua các thách thức trong thời gian tới. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị phải chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ 02 năm 2024-2025. Tập trung khắc phục, tháo gỡ nhanh khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Từ đó, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “Đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn