Được biết, vụ kiện này bắt đầu từ tháng 6/2020 và mới đây nhất, một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ đã bác bỏ kháng cáo của Google về vụ kiện. Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh các công ty công nghệ khổng lồ như Google và Facebook liên tục nhận sự phản đối từ dư luận trong việc thu thập thông tin.
"Tòa án cho rằng Google đã không thông báo trước khi lấy thông tin của người dùng khi họ đang ở chế độ trình duyệt riêng tư", thẩm phán Lucy Koh viết trong phán quyết của tòa án.
Về phần mình, Google từng bày tỏ quan điểm không đồng ý với cáo buộc và tìm cách bác bỏ vụ việc. Google lập luận rằng chế độ bảo mật ẩn danh của trình duyệt không có nghĩa là người dùng có thể "vô hình", các hoạt động của người dùng có thể được phân tích bởi những trang web họ truy cập và bất kỳ phân tích nào của bên thứ ba. Nói cách khác, Google cho rằng chế độ riêng tư của trình duyệt Chrome chủ yếu là ngăn người dùng để lại hồ sơ cục bộ, nhưng không có nghĩa là hành vi của người dùng không bị các trang web khác kết nối với thiết bị theo dõi. Thêm vào đó, Google cho rằng mỗi lần người dùng truy cập vào trình duyệt ẩn danh, hệ thống đều thông báo rằng thông tin của họ có thể sẽ được thu thập.
Tòa án không chấp nhận lý do bào chữa của Google. Lucy Koh, thẩm phán quận San Jose (California) đưa ra kết luận rằng Google đã không thông báo cho người dùng về việc thu thập dữ liệu khi đang ở chế độ duyệt web riêng tư. Kết quả là Google thất bại trong việc rút đơn kiện, buộc phải bước vào quy trình xét xử thông thường và chấp nhận phán quyết cuối cùng của tòa án.
Google bị cáo buộc theo dõi thông tin người dùng dù họ đã đặt chế độ riêng tư. |
Được biết, vụ việc này không phải rắc rối duy nhất mà Google hiện đang gặp phải. Bởi gã khổng lồ công nghệ này hiện còn phải đối diện với cuộc điều tra chống độc quyền của Liên minh Châu Âu đối với hoạt động kinh doanh quảng cáo.
Theo Ủy viên chống độc quyền của Liên minh Châu Âu Margrethe Vestager, cuộc điều tra sẽ kéo dài đến 10 năm, quy mô chỉ sau cuộc chiến chống độc quyền diễn ra từ năm 1988.
Điều đáng chú ý là cuộc điều tra về “hệ sinh thái quảng cáo của Google” chỉ là một trong chuỗi các cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu đối với hàng loạt công ty công nghệ, bao gồm App Store và hệ thống thanh toán của Apple; dữ liệu và thị trường của Facebook; cáo buộc kiểm soát dữ liệu người bán của Amazon...
Margrethe Vestager cho biết, đối với Ủy ban châu Âu, các công ty công nghệ luôn là tâm điểm điều tra. Đồng thời, bà cũng tuyên bố tận dụng tối đa mọi công cụ và thực hiện các hành động chống độc quyền cần thiết nhằm đảm bảo duy trì công bằng thị trường.
Vào tháng 1/2021, Ủy ban Châu Âu bắt đầu thu thập thông tin về hoạt động của Google trong "chuỗi giá trị công nghệ quảng cáo" dựa trên bảng câu hỏi được gửi đến các nhà xuất bản và công ty quảng cáo. Đánh giá từ tuyên bố mới nhất của Margrethe Vestager, cuộc điều tra chống lại Google vẫn tiếp tục và phạm vi xem xét đã được mở rộng. Về vấn đề này, Google vẫn chưa bình luận.
Đây không phải là lần đầu tiên Google bị EU điều tra chống độc quyền, thậm chí trong các cuộc điều tra trước đó, Google đã 3 lần nhận án phạt từ EU. Tháng 6/2017, Liên minh châu Âu xác định Google Shopping lạm dụng độc quyền tìm kiếm trên Internet để quảng cáo dịch vụ mua sắm trực tuyến và đưa ra khoản phạt lên tới 2,42 tỷ euro (2,7 tỷ USD).
Thời điểm tháng 7/2018, để đối phó với vụ kiện chống độc quyền Android, Liên minh Châu Âu áp đặt mức phạt kỷ lục 4,34 tỷ euro (khoảng 5,1 tỷ USD), đồng thời yêu cầu Google ngừng ràng buộc Chrome trên Android và cho phép các nhà sản xuất phát triển hệ thống riêng biệt. Ngày 20/3/2019, EU đã phạt 1,49 tỷ euro (tương đương 1,69 tỷ USD) đối với Google do cáo buộc độc quyền quảng cáo tìm kiếm trực tuyến. Theo đó, Google bị Liên minh châu Âu phạt 9,4 tỷ USD trong 4 năm qua.
Tác giả: Bảo An
Nguồn tin: vietq.vn