Thể thao

Góc Luật sư: CLB Long An có thể khởi kiện Ban kỷ luật VFF

Dưới góc nhìn của Luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty Luật TNHH MTV QTC), quyết định của Ban kỷ luật VFF đối với CLB Long An và các cá nhân là nặng và chưa được chính xác.


Trước mức án chưa từng có trong lịch sử BĐVN, Webthethao.vn đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty Luật TNHH MTV QTC) để làm rõ hơn về quyết định kỷ luật của Ban kỷ luật VFF.

Ban kỷ luật VFF công bố Quyết định kỷ luật áp dụng các quy định tại khoản 2 Điều 107 và các điểm đ, k khoản 1, điểm b, c khoản 2 Điều 5; Điều 47; Điều 60; Điều 62 Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cùng quy định về trách nhiệm của câu lạc bộ khi tham gia giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được quy định tại Điều 34 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2015) để xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật đối với tổ chức và cá nhân CLB Long An.

Luật sư Hoàng Kim Thoa

Theo đó, CLB Long An bị phạt 100 triệu đồng, Chủ tịch Võ Thành Nhiệm bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức 36 tháng và nộp phạt 20 triệu đồng. HLV trưởng Ngô Quang Sang bị phạt 15 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức 36 tháng. Cầu thủ Huỳnh Quang Thanh và thủ môn Minh Nhựt bị phạt 15 triệu đồng, 10 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức 24 tháng.

Tuy nhiên, sau khi xem xét lại quyết định kỷ luật được Ban kỷ luật áp dụng theo các quy định trên, Luật sư Hoàng Kim Thoa đã nhìn thấy những kẽ hở để chỉ ra án phạt cho CLB Long An và các cá nhân liên quan là chưa được chính xác.

“Sau khi xem xét các Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, tôi nhận thấy việc phạt tiền, cấm tham gia các hoạt động bóng đá đối với các cầu thủ và CLB Long An là chưa được chính xác”, Luật sư Kim Thoa nói và viện dẫn lại các quy định về kỷ luật của VFF như sau:

Điều 47. Hành vi, thái độ công kích, kích động:

1. Người nào có hành vi, cử chỉ, động tác, lời nói hoặc hình thức khác nhằm mục đích sỉ nhục, công kích, kích động người khác, thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 02 trận;

2. Nếu đối tượng của hành vi công kích, kích động là LĐBĐVN hoặc một cơ quan, một đại diện của LĐBĐVN thì thời gian đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ sẽ tăng gấp đôi (+100%);

3. Phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu tại khoản 1 và 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu tại khoản 2 Điều này.

Điều 60. Phản ứng

1. Người nào phản ứng với trọng tài, giám sát, BTC giải vì bất kỳ lý do gì khi những người này đang làm nhiệm vụ, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị cảnh cáo; hoặc bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 02 trận và bị phạt tiền tối thiểu 5.000.000 đồng.

3. Trường hợp hành vi phản ứng được thực hiện bởi số đông mà không xác định được người chủ mưu, cơ quan có thẩm quyền xử lý sẽ kỷ luật đội trưởng, huấn luyện viên trưởng của đội bóng nếu vi phạm xảy ra trong trận đấu hoặc CLB, đội bóng nếu vi phạm xảy ra ngoài trận đấu. Đối tượng bị kỷ luật có thể được giảm hoặc huỷ bỏ việc thi hành kỷ luật nếu cho cơ quan xử lý kỷ luật biết tên của (những) người có lỗi.

Điều 62. Làm gián đoạn trận đấu

1. Người nào có hành vi cố tình làm cho trận đấu tạm thời bị gián đoạn có thể bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 02 trận và bị phạt tiền tối thiểu 5.000.000 đồng.

2. Đội bóng có các vi phạm làm cho trận đấu tạm thời gián đoạn thì bị phạt tiền tối thiểu 15.000.000 đồng; Huấn luyện viên trưởng, đội trưởng của đội bóng vi phạm sẽ bị kỷ luật như tại khoản 1 Điều này nếu không xác định được người nào là chủ mưu.

Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp - Điều 34. Trách nhiệm của câu lạc bộ khi tham gia giải đấu

1. Câu lạc bộ có trách nhiệm thể hiện tinh thần thể thao đối với giải và đối với các câu lạc bộ, đội bóng khác. Người có hành vi và biểu hiện phi thể thao, trong đó bao gồm việc không tôn trọng quyết định của trọng tài, không tôn trọng đối phương, không tôn trọng khán giả, ... sẽ bị xử lý theo quy định của Luật thi đấu bóng đá và các quy định có liên quan của LĐBĐVN.

5. Khi tham dự giải, các thành viên của câu lạc bộ không được có hành vi, lời nói xâm phạm đến uy tín, danh dự của câu lạc bộ mình; uy tín, danh dự của câu lạc bộ khác; uy tín và danh tiếng của Đơn vị tổ chức giải, LĐBĐVN và các cá nhân đang làm nhiệm vụ cho Đơn vị tổ chức giải (như cán bộ, giám sát, trọng tài...).

7. Trong trường hợp câu lạc bộ có hành vi vi phạm các quy định, dẫn đến thiệt hại về vật chất, tinh thần, danh dự, uy tín cho Đơn vị tổ chức giải, LĐBĐVN và các tổ chức, cá nhân thì câu lạc bộ sẽ phải chịu kỷ luật ...

Phán quyết của Ban kỷ luật VFF vẫn đang gặp phải phản ứng từ dư luận. Ảnh: Văn Nhân

Cũng theo ý kiến của bà Thoa, thì việc phạt tiền đối với HLV trưởng CLB Long An chỉ ở mức 5 triệu đồng; Đối với cầu thủ Huỳnh Quang Thanh (số 20) chỉ ở mức 10 triệu đồng, và qua các băng ghi hình trận đấu, trận đấu vẫn được tiếp tục (không thuộc trường hợp trận đấu không tiếp tục được) nên không thể áp dụng phạt tiền tối thiểu 50.000.000 đồng, cũng không áp dụng phạt gấp đôi số tiền nêu trên đối với CLB được, theo đó mức phạt dành cho CLB bóng đá Long An là 30 triệu đồng sẽ là phù hợp.

Còn đối với quyết định thổi phạt 11m của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, Luật sư Hoàng Kim Thoa nhận định: “Trong vụ việc này có nhiều ý kiến thắc mắc về quyết định của Trọng tài dẫn đến phản ứng tiêu cực của các cầu thủ và CLB.

Giả sử, khi trọng tài nhận định sai thì dư luận cũng đòi hỏi phải có sự minh bạch khi xử lý kỷ luật, khiển trách Trọng tài. Về điều này, Luật thi đấu bóng đá năm 2013 (sửa đổi năm 2017) của VFF có quy định về quyền và trách nhiệm của trọng tài chính trong một trận đấu – Luật 5 có quy định như sau:

“Trọng tài phải đảm bảo việc áp dụng đúng luật vào trận đấu; Phải báo cáo đầy đủ mọi chi tiết về tình huống phạm luật của bất kỳ cầu thủ hay quan chức đội bóng đã xảy ra trước, trong và sau trận đấu…”

Video: Toàn cảnh sự cố trong trận đấu giữa TP. HCM - Long An FC

Quyền quyết định của trọng tài:

“Trọng tài là người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và các cầu thủ phải thực hiện; Nếu quyết định đó thiếu chính xác hoặc xử lý theo nhận định của trợ lý khi trận đấu chưa bắt đầu lại hoặc chưa chấm dứt thì trọng tài có quyền thay đổi”.

Có thể nói, hành vi nhận định sai của Trọng tài trong một trận đấu là điều bình thường mà mọi thành phần liên quan trong bóng đá đều phải chấp nhận, nhất là trong tình huống rất phổ biến. Chế tài đối với trọng tài tuân theo Quy định về kỷ luật của VFF”.

Sau khi viện dẫn các quy định, quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF, Luật sư Thoa bày tỏ quan điểm. “Khi gặp phải trường hợp phạt oan, các cầu thủ và CLB cần phải tuân theo các quy chế bóng đã chuyên nghiệp trước tiên, sau đó có thể khiếu nại đến Chủ tịch Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam về Quyết định của Ban kỷ luật VFF hoặc khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy quyết định hành chính (nếu chưa thấy thỏa mãn với trả lời khiếu nại của lãnh đạo Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam)”.

Tác giả bài viết: Ls Hoàng Kim Thoa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok