Kinh tế

Góc khuất của đại gia chi 5.000 tỷ làm dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam

Chủ đầu tư dự án điện mặt trời trị giá 5.000 tỷ đồng mới khởi công tại Ninh Thuận còn là ông chủ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM, người từng làm văn bản đòi chính quyền Đà Nẵng hơn 2.000 tỷ đồng…

Ông chủ tập đoàn Trung Nam là ai?

Mới đây, ngày 7/7, "siêu dự án" điện mặt trời với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng được UBND tỉnh Ninh Thuận cùng tập đoàn Trung Nam chính thức khởi công tại xã Bắc Phong và Xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc.

Với quy mô dự án gần 300ha, tổng công suất 204 MW, dự án điện mặt trời của tập đoàn Trung Nam được đánh giá là dự án điện mặt trời lớn nhất nước và cũng là dự án tích hợp năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu, công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (tập đoàn Trung Nam) được thành lập năm 2004 ở Đà Nẵng với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng (thời điểm tháng 11/2015).

Đến nay, sau 14 năm, công ty này đã phát triển thành tập đoàn với 10 công ty con và 3 công ty liên kết, đầu tư chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính là năng lượng, hạ tầng và bất động sản.

Hai anh em Nguyễn Tâm Tiến (trái) và Nguyễn Tâm Thịnh là Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trung Nam - chủ đầu tư dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam

Tập đoàn Trung Nam có 3 cổ đông sáng lập là: Ông Nguyễn Tâm Thịnh góp 2.544 tỷ đồng (tương đương 93,39%), ông Đặng Công Huẩn và bà Nguyễn Phan Sophie mỗi người góp 90 tỷ đồng (tương đương 3,3%).

Ông Nguyễn Tâm Thịnh hiện là Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trung Nam. Ngoài ra còn có anh trai ông Thịnh cùng làm việc là ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Tâm Lộc (em trai hai ông Tiến, Thịnh).

Tuy nhiên ông Lộc đã thôi việc vì bị khởi tố, liên quan đến vụ việc tham gia chém một người dân trong vụ lùm xùm giải phóng mặt bằng dự án Golden Hills Đà Nẵng hồi năm 2011.

Không phải nhờ dự án điện mặt trời 5.000 tỷ đồng mà Trung Nam Group mới được giới đầu tư biết đến, trước đây nhiều dự án đầu tư khác của tập đoàn này từng nhận được sự chú ý bởi hàng loạt dự án thuộc hàng “khủng” về quy mô và vốn đầu tư, trong đó nhiều dự án là “đầu tiên”, “lớn nhất”.

Một số dự án nổi bật có thể kể đến như dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills - Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD; dự án Công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley 150 triệu USD; dự án Cầu Bạch Đằng theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 7.277 tỷ đồng; dự án Nhà máy điện gió Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận 3.780 tỷ đồng; dự án Thủy điện Đồng Nai 2 với tổng vốn đầu tư 3.665 tỷ đồng…

Tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 của Trung Nam là phấn đấu trở thành một tập đoàn lớn mạnh về tài chính, nhân lực, đầu tư đa ngành với tổng tài sản đạt mức 3 tỷ USD.

Khoản đầu tư được chú ý nhất Trung Nam thời gian gần đây chính là “siêu dự án” chống ngập cho TP.HCM trị giá gần 10.000 tỷ đồng. Nó được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán chống ngập cho TP.HCM.

Được khởi công ngày 26/6/2016, ban đầu dự án dự kiến hoàn thành vào 6/2019, sau đó rút ngắn thời gian thi công, cam kết hoàn thành trước ngày 30/4/2018, tuy nhiên đã không thể đúng hẹn do công tác đền bù giải toả mặt bằng kéo dài, gây chậm tiến độ.

Nhiều dự án lùm xùm, tai tiếng

Tổng Giám đốc tập đoàn Trung Nam – ông Nguyễn Tâm Tiến từng chia sẻ với báo giới lý do Trung Nam Group luôn sở hữu được những dự án “khủng” là do “làm thật, ăn thật” cho nên có được dự án và khách hàng có thật. Song dường như tập đoàn này chưa thật sự có duyên với mảng bất động sản, bởi khá nhiều công trình dự án vướng lùm xùm.

Dự án tai tiếng nhất của Trung Nam Group có lẽ là dự án Tháp đôi Viễn Đông Meridian (Đà Nẵng), có tổng mức đầu tư 180 triệu USD, với tuyên bố “sẽ hoàn thành từ năm 2012 và đưa dự án này trở thành tòa nhà cao nhất miền Trung”.

Phối cảnh dự án Tháp đôi Viễn Đông Meridian - công trình "chết yểu" của tập đoàn Trung Nam

Tuy nhiên, tiến độ dự án bị ảnh hưởng bởi lùm xùm từ vụ kiện Trung Nam và một thành viên góp vốn bán khống cổ phần cho một cá nhân khác. Dự án này sau đó nằm bất động vì vướng kiện cáo và đến năm 2016 thì TP.Đà Nẵng yêu cầu thu hồi lại dự án, giao trả mặt bằng công viên công cộng cho người dân.

Từng làm văn bản đòi nợ chính quyền Đà Nẵng 2.000 tỷ đồng

Liên quan đến việc UBND TP.Đà Nẵng công bố công ty Trung Nam còn nợ hơn 295 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với dự án Khu đô thị Golden Hills và dự án Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài, ngày 13/6/2017, doanh nghiệp này có công văn gửi đến Thành ủy Đà Nẵng, HĐND TP.Đà Nẵng và UBND TP.Đà Nẵng, thừa nhận đang nợ số tiền nói trên.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng “nhân tiện” đòi khoản tiền 2.050 tỷ đồng mà UBND TP.Đà Nẵng còn chưa thanh toán tại dự án Nút giao thông Ngã Ba Huế.

Trả lời phóng viên tại một cuộc họp báo, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, khẳng định: “Số nợ này Đà Nẵng không có trách nhiệm thanh toán bởi chủ đầu tư dự án này là bộ Giao thông Vận tải”.

Sau đó, Đà Nẵng đã gửi một số công văn, kiến nghị gửi lên Trung ương đề nghị giải quyết vấn đề nói trên.

Một “siêu dự án” của Trung Nam có số phận long đong lận đận không kém là dự án khu đô thị Golden Hills (Đà Nẵng). Được khởi công năm 2011, Golden Hills trải rộng trên 350 ha với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD, được đánh giá là một đại dự án với 5 khu chức năng chính gồm khu biệt thự cao cấp, khu đô thị sinh thái, khu đô thị trung tâm, khu thể dục thể thao và khu vui chơi giải trí…

Do quy mô lớn, dự án đã gặp hàng loạt rắc rối ngay từ khâu giải phóng mặt bằng. Vụ việc điển hình là ngày 30/8/2011 do bức xúc trong công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư, hàng trăm người dân xã Hòa Liên, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đã liên tiếp bao vây, đập nát nhà điều hành dự án Golden Hills của công ty CP Trung Nam.

Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm khi 5 nhân viên của công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (thuộc tập đoàn Trung Nam) đã tham gia đánh trọng thương một người dân vì anh này cản trở hoạt động của các xe tải gây ô nhiễm.

Đáng nói là trong số 5 nhân viên nói trên có em ruột ông Tiến, ông Thịnh là ông Nguyễn Tâm Lộc. Hậu quả là cả 5 người bị thôi việc và bị khởi tố.

Khi vụ việc lùm xùm với người dân vừa chìm xuống thì đến năm 2015, dự án Golden Hills lại tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận khi UBND TP.Đà Nẵng thống nhất về nguyên tắc với đề nghị của sở Xây dựng hủy đồ án sử dụng đất khu vực phía Tây Golden Hills (giai đoạn 1) – Golden Hills mở rộng, có diện tích lên đến 900 ha.

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: đại gia , dự án , Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok