Thủ tục hải quan đã nhanh gọn hơn. |
Nhập siêu vẫn lớn
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2018, tình hình xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2018 vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ước tính vào khoảng 240 -242 tỷ USD, tăng từ 12% - 14% so với năm 2017.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng khi Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA, bởi có đến 99% hàng rào thuế quan được cắt giảm. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với hàng hóa trong nước, vì chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất lớn với hàng hóa đến từ các nước khác.
Ông Nguyễn Việt Hùng- đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, một trong những lĩnh vực đạt kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam phải kể đến ngành hàng rau củ quả. Liên tục nhiều năm nay, ngành hàng này đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, trong khi hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài một lượng lớn thì song song đó, vẫn có số lượng không nhỏ rau quả lại được nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc về Việt Nam.
“Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả khoảng 40% nhưng thực ra hàng hóa có thành phần ngoại nhập rất nhiều”- ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, hàng hóa của Việt Nam vào các nước dễ dàng hơn khi chúng ta tham gia ký kết các FTA, tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với thách thức là hàng nhập ngoại với số lượng cũng rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, rất cần sự vào cuộc của nhà quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Cao Huy Tài- phó trưởng phòng Quản lý vận hành cơ chế 1 cửa quốc gia và ASEAN (Tổng cục Hải quan) cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sử dụng trang thiết bị hiện đại thời gian qua đã tăng cường quan hệ đối tác giữa hải quan với doanh nghiệp (DN). Từ đó thúc đẩy và hỗ trợ DN xuất nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan điện tử.
Theo ông Tài, từ năm 2014 đến nay, ngành hải quan đã thực hiện hệ thống thông quan tự động theo tiêu chuẩn tương đương với các quốc gia hàng đầu trên thế giới.
Đến nay, đã có 99,95% DN tham gia thực hiện thông quan tự động, với thời gian thông quan từ khi tiếp nhận tờ khai đến trả kết quả đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây với tỷ lệ phân loại hàng hóa luồng xanh, đã có 65% DN xuất khẩu có thể thực hiện thủ tục thông quan tại nhà.
Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu trong việc nộp thuế. Hệ thống tính thuế của ngành đã được kết nối với kho bạc và ngân hàng để hỗ trợ DN, đến nay đã có 38 ngân hàng thương mại kí kết thỏa thuận hợp tác với hải quan, số ngân sách thu được từ việc nộp thuế điện tử chiếm đến 90% đồng thời rút ngắn thời gian nộp thuế từ 1 - 2 ngày xuống còn có 3 phút cho DN ở mọi lúc, mọi nơi trên mọi phương tiện.
Chủ động ứng phó rào cản thương mại
Giải tỏa được các điểm nghẽn trong thủ tục hải quan là một khía cạnh, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các FTA thế hệ mới rất quan tâm đến khả năng tiếp cận bình đẳng. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước phải tạo bình đẳng trong nội địa, giữa DN nhà nước và doanh nghiệp tư nhân,… từ đó giúp DN tư nhân tiếp cận các nguồn lực bình đẳng hơn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, xu thế bảo hộ mậu dịch cũng sẽ tăng lên khi cánh cửa hội nhập kinh tế rộng mở. Nhìn nhận rõ những thách thức từ xu thế này, giới chuyên gia cho rằng, cần phải dự báo đúng, trúng nhu cầu của thị trường. Nhiều DN xuất nhập khẩu cho biết, thực tế là hiện nay, khâu dự báo thị trường còn rất yếu, điều này sẽ khiến cho các DN khó có thể chủ động điều chỉnh và đưa ra những chiến lược xuất khẩu, như vậy sẽ rất bất lợi cho nền kinh tế.
Để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công thương cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các DN để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện “chống lẩn tránh” biện pháp phòng vệ thương mại.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết