Đội ngũ giáo viên là người quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Do đó, vấn đề giáo viên cần phải được giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo để họ có thể thực hiện hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.
Giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp
Liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ Trần Thị Kim Liên (Đại học An Giang) đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, năng lực giáo dục cho đội ngũ giáo viên.
Tiếp cận một cách có hệ thống đảm bảo sự gắn kết đồng bộ giữa chính sách giáo viên và hệ thống chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đãi ngộ cho giáo viên là một trong những giải pháp then chốt nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Thạc sĩ Trần Thị Kim Liên |
Theo thạc sĩ Trần Thị Kim Liên, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục trong thời gian tới, đặc biệt là thực hiện các chủ trương, định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, năng lực giáo dục cho đội ngũ giáo viên là rất cần thiết để họ cũng có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục.
Do đó, cần phải thật sự chú tâm thực hiện khâu này, bởi giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp, theo hướng đủ năng lực để dạy tích hợp, liên môn để phù hợp với sự đổi mới.
Hơn nữa, Bộ GD&ĐT cần phải có tiêu chí đánh giá để biết được những giáo viên nào đáp ứng yêu cầu và những giáo viên cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thì mới có tác động đến chất lượng dạy và học.
Đội ngũ giáo viên là người quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Nâng cao chất lượng giảng dạy cho giáo viên |
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên phổ thông hiện nay thì chính sách thu hút, đãi ngộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là hết sức quan trọng.
Thạc sĩ Trần Thị Kim Liên dẫn giải: Tỉnh An Giang cần có khảo sát hiện trạng giáo dục phổ thông một cách khoa học nhằm có cơ sở quy hoạch đội ngũ giáo viên phổ thông chuẩn hóa trên ba phương diện: Đạt chuẩn đào tạo, đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên và đáp ứng yêu cầu mới về chuẩn giáo dục phổ thông.
Vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta. |
“Chính vì đội ngũ giáo viên là người quyết định sự thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Do đó, vấn đề giáo viên cần phải được giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo để họ có thể thực hiện hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình thực hiện mục tiêu bố trí lương của đội ngũ GV, CBQL giáo dục được hưởng ở mức cao nhất trong hệ thống thang bảng lương theo như tinh thần của Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII” - thạc sĩ Trần Thị Kim Liên kiến nghị.
Cũng theo thạc sĩ Thị Kim Liên, muốn nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên thì trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Sở GD&ĐT cần thường xuyên đổi mới phương pháp bồi dưỡng giáo viên,
Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, đặc biệt là cần có các lớp bồi dưỡng chuyên sâu huấn luyện các kỹ năng sử dụng trang thiết bị giáo dục, cách thức truyền đạt những kỹ năng hành vi nhằm tạo điều kiện cho giáo viên có những kỹ năng cần thiết để giảng dạy một chương trình giáo dục hiện đại.
Vấn đề xây dựng đội ngũ nhà giáo luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta, nếu chất lượng giáo viên yếu kém sẽ kéo theo sự yếu kém của chất lượng giáo dục.
Do đó, để tạo động lực và nâng cao năng lực, chất lượng cho đội ngũ giáo viên phổ thông, thạc sĩ Trần Thị Kim Liên cho rằng cần có một khung chính sách để tạo ra một hạ tầng cơ sở nhất quán trong tuyển sinh, đào tạo, cùng các chương trình hỗ trợ liên quan đển mọi khía cạnh trong suốt cuộc đời dạy học của giáo viên, tất cả phải được đặt trong một hệ thống phát triển giáo viên gắn kết với các mục tiêu giáo dục quốc gia và địa phương.
Tác giả: Minh Phong
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại