Nhân ái

"Giữa thời bình, có ai khổ như tôi nữa không ?!"

Ông Tường bị nhiễm chất độc da cam, bà Ngân mù lòa, hai người con trai thì một người tâm thần, một người bán thân bất toại sau vụ tai nạn lao động. 4 con người khốn khổ như cái bóng vật vờ giữa khổ cực không lối thoát.

Hôm nay trời mát, ông Lưu Ngọc Tường (SN 1953, trú xóm 8, xã Diễn Phú, Diễn Châu, Nghệ An) khỏe trong người hơn thường lệ nên dắt bò ra đồng chăn. Con bò là thứ tài sản có giá trị duy nhất trong nhà nhưng có lẽ vài hôm nữa ông phải bán để cố giữ đôi chân cho con.

Bà Hoàng Thị Ngân (SN 1947) đi chợ về. Tiếng là đi chợ cho sang chứ chỉ mua được bó rau muống héo quắt và 1 mớ cá vụn. “Bà mua cho thằng Kiên 10 nghìn bạc nhãn rời nhưng người ta thương, cho cả chùm đây này”, bà hấp háy con mắt mù lòa, trắng dã, kèm nhèm rỉ, vui vẻ khoe.

Ba con người khốn khổ bệnh tật chăm nhau
Ba con người khốn khổ bệnh tật chăm nhau

Lưu Xuân Kiên (SN 1977) là con trai cả của ông bà, mắc bệnh tâm thần 2 năm nay. Bà đi chợ về, Kiên đã đi đâu mất, chỉ còn Lưu Xuân Ba (SN 1986) – con trai út ở nhà. Ba ngồi trên giường, râu phủ kín cằm, đôi mắt buồn bã, bất lực nhìn đôi chân đang dần teo tóp lại.

“Không biết có ai khổ như bà nữa không các cô?”, bà Ngân hỏi. Rồi chẳng đợi khách trả lời, bà kể về cuộc đời đầy biến cố của cả gia đình.

Ông Lưu Ngọc Tường bị nhiễm chất độc da cam, bất lực trước hoàn cảnh bi đát của gia đình mình.
Ông Lưu Ngọc Tường bị nhiễm chất độc da cam, bất lực trước hoàn cảnh bi đát của gia đình mình.

Ông Tường tham gia TXNP chống Mỹ. Ngày trở về ngoài những tấm giấy Tổ quốc ghi nhận sự đóng góp của ông trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chỉ là tấm thân gầy guộc và những trận ốm liên miên. Sau này, có điều kiện đi kiểm tra, ông mới biết, những ngày tháng ở rừng khiến ông ngấm chất độc hóa học của địch. Sức khỏe suy kiệt, sức lao động giảm sút, mỗi tháng ông được hưởng 1,8 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước. Đó cũng chính là nguồn "thu nhập" ổn định nhất của gia đình bấy giờ.

Cuộc đời khốn khổ, cực nhọc nên con mắt bên phải của bà Ngân cứ mờ dần rồi lòa hẳn cũng không có điều kiện đi kiểm tra, thăm khám. Bấy lâu nay, bà nhìn cuộc sống xung quanh bằng con mắt kèm nhèm còn lại.

Bà Ngân bị mù hẳn một con mắt...
Bà Ngân bị mù hẳn một con mắt...

Hai ông bà sinh hạ được 3 người con, 2 người đã ra cửa nhà. Cô con gái đầu lấy chồng làng bên sớm chịu cảnh góa bụa, một mình nuôi 3 đứa con thơ dại. Lưu Xuân Kiên lấy vợ được 7 năm nhưng không có con. Cách đây 2 năm, Kiên bắt đầu xuất hiện những triệu chứng lạ và bị kết luận mắc bệnh tâm thần. Không con cái, không có sợi dây kết nối, chồng lại bệnh tật nên cô con dâu bà Ngân ôm quần áo về nhà ngoại ở.

Trong khi đó Lưu Xuân Ba sau khi gặp tai nạn lao động đã trở thành người tàn phế, không thể tự chăm sóc mình
Trong khi đó Lưu Xuân Ba sau khi gặp tai nạn lao động đã trở thành người tàn phế, không thể tự chăm sóc mình

Sau thời gian đi chữa bệnh, tình trạng của Kiên tốt hơn nhưng phải uống thuốc hàng ngày. Thỉnh thoảng lên cơn, Kiên bỏ đi, người mẹ mù lòa khốn khổ và người cha già phải đi tìm. “Lần trước ở bệnh viện tâm thần, nó trốn đi, lạc mãi tận Nam Đàn. May người ta phát hiện, thông báo cho chứ hai thân già này cũng không biết đi đâu tìm con”, bà Ngân chép miệng.

Xác nhận của UBND xã Diễn Phú đối với hoàn cảnh gia đình ông Lưu Ngọc Tường
Xác nhận của UBND xã Diễn Phú đối với hoàn cảnh gia đình ông Lưu Ngọc Tường

Nhà nghèo lại rặt người bệnh nên Lưu Xuân Ba đã hơn 30 tuổi cũng không dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Ba đi làm thợ xây, theo các công trình trong xã, ngoài huyện, hàng tháng chắt lót gửi về cho mẹ lo cho cả nhà. Bà Ngân trích một khoản đi “phường” cho con. Hồi đầu năm nay lấy phường, tính xây cho Ba căn nhà nhỏ bên cạnh. Nhà đang xây dở dang thì Ba gặp nạn.

“Hôm đó em đi xây ở Quỳ Châu thì công trình bị đổ sập. Em bị vùi lấp trong đống sắt thép, xi măng, ngất lịm không biết gì. Khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong viện, dập tủy sống. Từ đó nửa phần thân dưới của em bị liệt. Giờ cấu vào thịt cũng không thấy đau nữa. Cứ nghĩ kiếm tiền về đỡ cho bố mẹ mà giờ ở tuổi này, bố mẹ còn phải khổ cực, vất vả vì em”, Lưu Xuân Ba rưng rưng.

Đôi chân Ba đã hoàn toàn mất cảm giác, bắt đầu teo tóp...
Đôi chân Ba đã hoàn toàn mất cảm giác, bắt đầu teo tóp...
Bà Ngân đang tính bán con bò - tài sản duy nhất trong nhà để mong cứu lấy đôi chân của con.
Bà Ngân đang tính bán con bò - tài sản duy nhất trong nhà để mong cứu lấy đôi chân của con.

Hai chân của Ba đã bắt đầu teo lại. Bà Ngân cầm chân con rồi hốt hoảng “Chết rồi Ba ơi, cứ đà này thì không đi lại được nữa mô (đâu) con ơi. Mai mẹ bán bò đưa con đi viện thôi…”.

Bán bò, đó có lẽ là phương cách cuối cùng của hai vợ chồng bà Ngân lúc này. Nhưng nhìn đôi chân đã bắt đầu teo tóp của Ba, tôi sợ tiền bán bò để chạy chữa để em có thể đứng lên cũng như muối bỏ bể mà thôi.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Ông Lưu Ngọc Tường, xóm 8, xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

ĐT: 01658 768 480 (anh Lưu Xuân Ba, con trai ông Tường)

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok