Giáo dục

Giới toán học không cùng quan điểm về thi trắc nghiệm môn Toán

Quan điểm trái chiều ngay trong giới toán học về phương án áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều qua, 12/9, GS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng, mục tiêu giảng dạy môn Toán ở cấp THPT của Việt Nam không chỉ là truyền đạt kỹ năng tính đạo hàm, tích phân mà quan trọng hơn là truyền đạt phương pháp tư duy, khả năng đặt và giải quyết vấn đề.

GS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Toán học. Ảnh: Lê Văn


"Điều đó không chỉ dành cho môn Toán mà còn dành cho việc học tập các môn khác về khoa học kỹ thuật" - GS Hải khẳng định. Theo ông Hải, sau khi thi, học sinh có thể quên một số kiến thức cụ thể nhưng phương pháp tư duy sẽ "ngấm" một cách vô thức trong hiểu biết của học sinh, tạo cho học sinh phương pháp tư duy.

"Mục tiêu đào tạo môn Toán ở cấp THPT là truyền đạt phương pháp tư duy chứ không phải chỉ là một số kỹ năng. Kỹ năng cũng cần như ở mức độ thấp hơn" - GS Hải khẳng định.

Từ đó, GS Hải cho rằng, việc thi môn Toán bằng hình thức trắc nghiệm sẽ làm hỏng chủ trương và mục tiêu đào tạo của môn Toán.

"Nhìn bề dày của Toán học Việt Nam, học sinh Việt Nam khi ra nước ngoài đi học có thế mạnh về Toán. Chúng ta thay đổi hình thức thi có ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đến thành tựu mà cho đến bây giờ giáo dục Việt Nam đạt được về truyền đạt tư duy Toán học".

Ông Hải cho rằng, hình thức thi sẽ ảnh hưởng tới việc học. Thi tự luận học sinh sẽ học theo kiểu tự luận, thi trắc nghiệm thì học sinh cũng sẽ học theo kiểu tự luận.

Theo ông Hải, nếu chọn hình thức thi trắc nghiệm thì các bài kiểm tra trong quá trình học cũng sẽ được chuyển sang hình thức trắc nghiệm và do đó, không còn chỗ cho thi tự luận - hình thức giúp hình thành phương pháp tư duy cho học sinh.

"Không thể nói rằng học sinh vẫn học như mọi năm mà lại thi theo một hình thức mới được" - ông Hải nói.

GS Hải cũng cho rằng, việc Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi trắc nghiệm môn Toán trên cơ sở kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội thực hiện trong vài năm qua là chưa đủ căn cứ về mặt khoa học.

Theo ông Hải, cho tới hiện tại chưa có bất cứ đánh giá cụ thể nào được công khai về kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội do đó chưa nên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội một cách đại trà ngay trong năm nay.

"Quan điểm của chúng tôi là thay đổi thì phải chứng minh được ưu điểm. Sau khi chứng minh được ưu điểm thì mới thực hiện thay đổi. Hiện nay chưa có căn cứ nào chứng minh được việc thực hiện kỳ thi này có ưu điểm về mặt chuyên môn thì không nên thực hiện ngay" - ông Hải khẳng định.

Ông Hải cũng cho biết, bản thân ông đã thử làm một câu hỏi tích phân trong đề thi mẫu của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và phải mất 10 phút mới có thể giải xong một câu hỏi. Trong khi đó, trên mạng có đưa ra các mẹo giải câu hỏi này bằng máy tính rất nhanh.

"Tôi nghĩ rằng, nếu như không được luyện đề và chỉ học kiến thức SGK lớp 12 thì rất khó đạt điểm ở những câu tính tích phân như vậy" - ông Hải khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, GS Vũ Hà Văn (GS Toán ĐH Yale, Hoa Kỳ) lại cho rằng, thi trắc nghiệm đòi hỏi ở thi sinh một số kỹ năng mới, khác với cuộc thi truyền thống.

GS Vũ Hà Văn, GS Toán Đại học Yale, Hoa Kỳ. Ảnh: Lê Văn


"Chẳng hạn thay bằng giải tìm ra lời giải chính xác, nhiều khi chỉ cần ước lượng là đủ. Ví dụ có 4 câu trả lời là: A (0), B(1), C(2), D(3). Nếu thí sinh ước lượng được đáp số là giữa 1.5 và 2.5, thì lời giải đúng là C, không cần phải giải bài toán một cách chính xác, một việc làm có thể tốn nhiều thời gian hơn" - GS Văn nêu vấn đề.

Theo GS Văn, kỹ năng loại bỏ những lời giải trông quá vô lý cũng quan trọng, vì khi bài toán quá khó, thí sinh phải đoán, thì ít nhất cũng tăng được khả năng đoán trúng một cách đáng kể.

"Các kỹ năng này trong cuộc sống quan trọng không kém kỹ năng giải được bài toán một cách trọn vẹn" - GS Văn khẳng định.

Bên cạnh đó, GS Văn cũng cho rằng, thi trắc nghiệm có lợi thế là tổ chức và chấm thi đơn giản gọn nhẹ, tránh sai sót.

"Thi trắc nghiệm rất thông dụng ở Mỹ, chẳng những trong những cuộc thi đai trà như SAT, mà cả trong rất nhiều cuộc thi cho học sinh năng khiếu" - GS Văn cho hay.

Tuy nhiên, theo GS Vũ Hà Văn, cái khó của việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Việt Nam là khâu ra đề.

Đây là cả một ngành công nghiệp, và ở Mỹ có những trung tâm lớn chuyên sản xuất đề bài cho các cuôc thi trắc nghiệm, sao cho nó phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có, mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh được nạn học vẹt.

"Sẽ rất khó tổ chức thành công thi trắc nghiệm, nếu không có sự chuẩn bị đáng kể về mặt này" - GS Văn nhận định.

Từ góc độ cá nhân, GS Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nhận định rằng, thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Không có phương thức nào ưu điểm hẳn cũng không có phương thức nào nhược điểm hẳn. Vì vậy, trên thế giới vẫn tồn tại song song 2 kiểu thi trắc nghiệm và tự luận chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, GS Dư cho rằng, điều cần thiết là khi lựa chọn phương thức nào thì cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, cần thiết về các mặt tổ chức như nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả, tâm lý của thí sinh và xã hội.

Bên cạnh đó, cần có sự tổng kết đánh giá kết quả của các kỳ thi trắc nghiệm đã tổ chức trước đó để có cơ sở quyết định đó có quyết định hình thức thi phù hợp của các kỳ thi trong tương lai.

"Ý kiến cá nhân tôi là với kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nếu được chuẩn bị tốt, kỹ càng thì đề thi trắc nghiệm là khá phù hợp" - GS Dư nói. Tuy nhiên, ông Dư cũng cho rằng, điều này vẫn cần được thảo luận rộng rãi và kỹ càng hơn.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok