Trong bản báo cáo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 (VBF) diễn ra sáng 5/12, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) nhấn mạnh quy định người lao động không làm việc thêm giờ quá 30 giờ một tháng, 200 giờ một năm của Việt Nam là bất hợp lý. Điều này thể hiện rõ đặc biệt với lao động lĩnh vực công nghệ thông tin, khai thác và phát triển sản phẩm hay công việc kỹ thuật cần làm thêm nhiều giờ liền khi có sự cố kỹ thuật phát sinh.
Ông Han Dong-Hee, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng quy định này khiến các doanh nghiệp khó đáp ứng đơn hàng sản xuất hoặc tiến độ do người mua đề ra. Hệ quả, hoạt động kinh doanh ảnh hưởng, doanh nghiệp phải tăng ca sản xuất trong những thời kỳ cao điểm, làm tăng chi phí lao động. Đôi khi, họ còn phải giảm giá sản phẩm cho người mua theo yêu cầu.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 (VBF) diễn ra sáng 5/12. Ảnh: VGP.
Thực tế, kiến nghị với nội dung trên thường được nêu ra bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và ngành sử dụng nhiều lao động, tận dụng lợi thế của chí phí nhân công rẻ khi đầu tư vào Việt Nam.
Tại cuộc đối thoại giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tháng 8 vừa qua, bà Ngô Thu Ngân, Chuyên viên pháp lý của Toyota Việt Nam cho hay nhân viên của Toyota rất sẵn sàng làm thêm giờ để phục vụ nhu cầu thị trường. Nhưng công ty gặp khó khăn với quy định chặt chẽ của nhà nước.
Trên cơ sở đó, Toyota đề xuất Chính phủ cho phép quản lý giờ làm thêm linh hoạt hơn. Ví dụ, bỏ quy định quản lý số giờ làm thêm theo từng tháng; tăng số giờ làm thêm theo năm bằng mức của một số nước trong khu vực (Trung Quốc 600 giờ/năm, Nhật Bản 720 giờ hoặc theo sự thỏa thuận giữa công đoàn và công ty về giờ làm thêm tối đa của công nhân).
Giờ làm thêm các nước trong khu vực. Nguồn: VBF.
Còn ông Nguyễn Huy Trung, Trưởng phòng hành chính, Công ty Honda Việt Nam tính toán, theo Luật Lao động, công ty được làm việc 6 ngày một tuần. Nhưng thực tế, cứ 2 tuần thì nhân viên được nghỉ 1 ngày và số giờ làm việc chính thức là 44 giờ. Tuy nhiên, giờ làm thêm thì lại tính từ giờ thứ 45.
"Theo quy định của Sở Lao động, số giờ làm thêm phụ thuộc vào lịch làm việc của doanh nghiệp. Vì vậy, khi doanh nghiệp giảm số giờ làm việc chính thức và bù lại bằng giờ làm thêm, thì giờ làm việc chính thức lại bị coi là làm thêm, vị này nói.
Đồng ý với quan điểm, ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm công tác Nguồn nhân lực VBF, đưa ra khuyến nghị nếu thỏa thuận về làm thêm giờ đã được ký kết giữa người lao động, cơ quan nhà nước và liên đoàn thì sẽ miễn thanh tra về vấn đề này tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định khi nêu dẫn chứng ở các nước Châu Á, VBF cần phải xem xét một cách toàn diện. Một số nước trong khu vực (Malaysia, HongKong…) có giới hạn giờ làm thêm cao hơn Việt Nam nhưng lại quy định thời gian làm việc hàng tuần là 40 giờ. Do đó, giờ làm thêm tăng lên nhưng tổng quỹ thời gian vẫn thấp hơn so với Việt Nam.
"Áp dụng chế độ thời gian làm việc linh hoạt là vấn đề Bộ đã đang nghiên cứu trong quá trình xây dựng luật và sẽ đưa vào Điều 117 - nhóm ngành nghề có đặc thù thời giờ làm việc/nghỉ ngơi. Về thời giờ làm việc theo thời vụ, Bộ đã ban hành Thông tư 54, trong đó quy định phương pháp tổ chức tăng/giảm ca vào một thời điểm nhất định tùy theo thời vụ", ông Nhưỡng khẳng định.
Tác giả bài viết: Kiều Linh
Nguồn tin: