Chiều 17/ 10, một học sinh lớp 8, trường THCS Đoàn Thị Điểm, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị ngã từ tầng 2 xuống đất. Ông Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi bị ngã, học sinh được ban giám hiệu và thầy cô đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức và báo với gia đình học sinh.
Bác sĩ đang tiến hành chụp chiếu nên chưa có kết luận mức độ chấn thương. Nguyên nhân xảy ra vụ việc đáng tiếc là do học sinh đu lên lan can để tập xà và bị trượt tay. Được biết, lan can tầng 2 nơi học sinh bị ngã có độ cao 1,4 m.
Liên tiếp những vụ tai nạn
Cách đây không lâu, một học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cũng bị rơi từ tầng 3 xuống đất, bị chấn thương vùng xương chậu và chân. Nguyên nhân được xác định là do học sinh này trèo qua lan can để lấy quả cầu bị rơi và không may trượt chân xuống khỏi mái che, rơi xuống.
Trước đó, ngày 12/10, anh Phạm Văn Đạt ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có con học lớp 1 trường Tiểu học Tam Quan, bị cánh cổng trường đổ sập xuống người dẫn đến gãy xương quai xanh.
Anh Đạt kể sau giờ tan học, con gái anh ra cổng trường chờ mẹ đến đón thì cổng trường bất ngờ đổ ập xuống đè lên người. Con anh được cô giáo và mẹ đưa đến phòng y tế rồi Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đảo điều trị thì kết quả cháu bị gãy xương chịu nhiều đau đớn và sợ hãi.
Trường THCS Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Tiền Phong. |
Cũng trong ngày 12/10, em Bùi Văn Thành, học sinh lớp 4D, trường Tiểu học Đại Bản tử vong tại trường do bị điện giật. Theo báo cáo, sau khi học xong tiết 2, Thành đi chân đất ra cuối hành lang tầng 2 chơi và chạm vào song sắt lan can bị điện giật chết.
Sau khi khám nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện nơi học sinh tử vong có sợi cáp quang mạng Internet quấn vào song sắt lan can kéo ra phía sau trường và quấn vào hệ thống dây điện của trường.
Mới đây, một học sinh lớp 7 của trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) bị bỏng cồn ngay trong trường học. Theo hiệu trưởng trường này, sự việc xảy ra sau giờ ăn bán trú, khi không có giáo viên ở lớp. Học sinh phải nhập viện điều trị với nhiều vết bỏng.
Bác sĩ dự kiến học sinh phải nằm viện kéo dài khoảng một tháng và trải qua 3 lần phẫu thuật, tổn thất sức khỏe lên tới 24%. Sau khi xảy ra sự việc, mẹ học sinh này phải xin nghỉ việc dài ngày để chăm sóc con ở viện, gia đình mất nhiều công sức, tiền bạc để chạy chữa cho con.
Riêng về bỏng cồn ngay trong trường học, không riêng ở trường Dịch Vọng mà đầu năm 2017, một nữ sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng đã bị bỏng nặng do cồn phát nổ trong phòng thí nghiệm. Vụ tai nạn này khiến học sinh phải nghỉ học, điều trị kéo dài nhiều ngày và trải qua nhiều lần phẫu thuật vô cùng đau đớn trong bệnh viện.
Ai chịu trách nhiệm?
Những tưởng, trường học là nơi an toàn đối với học sinh. Nhưng khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, nhiều phụ huynh cảm thấy bất an, lo lắng khi sức khỏe, tính mạng con không được đảm bảo.
Vì sao trong một thời gian ngắn lại liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp học sinh bị tai nạn trong trường học như vậy?
Lý giải điều này, ông Đặng Quốc Thống cho rằng: “Học sinh vốn rất hiếu động, nói nhiều, nhắc nhở nhiều nhưng chỉ như nước đổ lá khoai”.
Ông Thống chia sẻ trước khi xảy ra sự việc đáng tiếc, trường tổ chức tập huấn phòng chống tai nạn thương tích với chủ đề: “Tự cứu hay đợi cứu” dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết ứng phó. Mặt khác, trường cũng rà soát các nguy cơ như điện, nước, thiết bị trường học…, thế nhưng sự việc vẫn xảy ra.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: “Tất cả vụ tai nạn xảy ra trong trường học thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng”; sau đó mới quy trách nhiệm, kiểm điểm từng bộ phận phụ trách.
Ông ví dụ trong vụ học sinh bị cổng đổ đè, người hiểu rõ tình trạng cái cổng nhất là bảo vệ mở ra mở vào hàng ngày. Nếu thấy có nguy cơ, bảo vệ phải báo cáo hiệu trưởng sửa chữa. Học sinh bị đánh hội đồng trong lớp, trách nhiệm do giáo viên chủ nhiệm thiếu quan sát, thiếu nắm bắt tình hình học sinh trong lớp.
Cũng theo TS Lâm, học sinh bị tai nạn, chấn thương nếu không được quan tâm, chăm sóc hay chia sẻ của gia đình, thầy cô sẽ gặp nhiều khó khăn khi trở lại trường học. Học sinh cũng dễ gặp tâm lý tự ti, thu mình hơn so với trước.
Một hiệu trưởng khác cũng cho rằng học sinh hiếu động nên thường dễ bị tai nạn thương tích, do đó nhà trường có trách nhiệm rà soát các nguy cơ thường xuyên.
Khi xảy ra sự việc, hiệu trưởng cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, cũng theo vị hiệu trưởng này, khi sự việc xảy ra một số người chưa nhận thức được trách nhiệm nên có thái độ né tránh, đùn đẩy.
Sau khi nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản chấn chỉnh các trường về đảm bảo an toàn trường học. Trong đó, sở yêu cầu các trường rà soát, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng hóa chất, phòng thí nghiệm, các phương tiện cứu hỏa, căng tin… Đặc biệt, khuyến khích các trường lắp camera để theo dõi, kiểm soát nguy cơ gây tai nạn cũng như các vụ xâm hại tình dục, trộm cướp. |
Tác giả: Nguyễn Hà
Nguồn tin: zing.vn