Giáo viên bảo tính sai
Theo đơn trình bày gửi báo Dân trí, một số giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, đầu tháng 11/2017, nhiều giáo viên phát hiện ra cách tính lương cho giáo viên của trường chưa đúng tinh thần chỉ đạo của công văn 296 do Sở GD&ĐT ban hành ngày 15/1/2007.
Cụ thể, số tiết thực dạy tăng cường của tổ Văn thể mỹ có khoảng 1,5 tiết/tuần nhưng bị tính thành 10 tiết/tuần. Do đó, đơn giá một tiết dạy tăng cường chỉ có 34.000 đồng/tiết.
Sau khi giáo viên trình bày sự việc với Ban giám hiệu và Công đoàn nhà trường, ngày 24/11/2017, nhà trường đã phổ biến cho giáo viên các thông tư về việc hướng dẫn chi học 2 buổi/ngày, tiến hành thảo luận công khai trong tập thể giáo viên, công nhân viên,đơn giá đúng của mỗi tiết dạy là 56.000 đồng/tiết.
Vì Hiệu trưởng nhà trường yêu cầu điều chỉnh nên ngày 1/12/2017, các giáo viên này đã được nhận lương 2 buổi/ngày của tháng 11 theo đơn giá mới là 52.000đ/tiết (thay vì 56.000 đồng như tính toán).
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy giáo Nguyễn Văn Tuyến, giáo viên dạy Thể dục của nhà trường cho biết, theo Công văn 296 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội ban hành ngày 15/1/2007 hướng dẫn cụ thể việc kinh phí thu được từ học 2 buổi/ngày được chi cho giáo viên tham gia giảng dạy là 60%, 40% còn lại được chi cho các mục khác. Việc tính đơn giá cũng được hướng dẫn tại đây.
Tuy nhiên theo thầy Tuyến, công thức mà Công văn đưa ra, đơn giá được tính bằng tổng tiền thu được (60% được phép chi cho giáo viên giảng dạy) chia cho số tiết thực dạy. Thế nhưng không hiểu sao nhà trường lại áp dụng cách tính riêng, rất loằng ngoằng trong 10 năm nay.
Cụ thể, theo cách tính được hiệu trưởng giải thích với giáo viên là một lớp có 35 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm dạy 25 tiết, giáo viên văn thể mĩ dạy 10 tiết. Theo quy định, định mức của giáo viên chủ nhiệm là 23 tiết/tuần.
Theo cách giải thích của cô hiệu trưởng thì 2 tiết thừa của giáo viên chủ nhiệm và 10 tiết của giáo viên văn thể mĩ được dùng để tính đơn giá lương dạy 2 buổi/ngày. Đương nhiên khi lấy tiền thu được chia cho 12 tiết thì đơn giá sẽ nhỏ đi và đương nhiên số tiền của giáo viên nhận sẽ ít đi.
Thầy Tuyến giải thích thêm, thực tế trong 10 tiết dạy của giáo viên văn thể mĩ thì 8,5 tiết trong đó được tính vào phần lương giáo viên hưởng từ ngân sách, như vậy số tiết thừa được dùng để tính đơn giá lương dạy 2 buổi/ngày chỉ có 1,5 tiết. 1,5 tiết của giáo viên Văn thế mĩ cộng với 2 tiết của giáo viên chủ nhiệm là 3,5 tiết. Số tiền thu được mà chia cho 3,5 thì đơn giá sẽ cao hơn rất nhiều nếu chia cho 12. Chính cách chia cho 12 đó dẫn đến việc, đơn giá thấp xuống chỉ còn 34.000 đồng/tiết. Nếu tính đúng theo quy định thì đơn giá mỗi tiết sẽ là 56.000 đồng/tiết.
Về điều này, cô Thạch Anh Thư, chủ nhiệm lớp 5B cũng cho hay, giáo viên có hai khoản lương: Lương từ ngân sách và từ tiền dạy 2 buổi/ngày. Nếu tính theo đơn giá mới, lương của giáo viên được cộng thêm từ 1 triệu đồng đến khoảng 3 triệu đồng/tháng.
“Chúng tôi cần một câu trả lời rõ ràng cho việc tính toán này. Chúng tôi rất buồn vì ngay giữa lòng Hà Nội mà lương hai buổi/ngày của một giáo viên chỉ từ 700.000 đồng- 1 triệu đồng/tháng nếu vẫn thu theo giá cũ.
Hiệu trưởng khẳng định đúng
Tại buổi làm việc của PV Dân trí với bà Bùi Thị Kim Thúy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, bà Thúy cho biết, theo quy định, việc tăng tiền thu 2 buổi/ngày lên 100.000 đồng/học sinh là từ năm 2012. Còn trước đó, quy định về việc thu tiền 2 buổi/ngày chỉ được thu 50.000 đồng/học sinh. Do số tiền thu thấp nên mỗi giáo viên chỉ được nhận số tiền như thế.
Sau thời điểm năm 2012, khi có quy định các trường được thu tăng lên 100.000, nhà trường đã họp liên tịch vào đầu năm học để tính toán lại mức thu (có biên bản kèm theo).
“Như vậy, không phải chúng tôi làm việc với vai trò cá nhân mà trên tinh thần nguyên tắc tập thể, thông qua quy chế chi tiêu nội bộ, theo các văn bản hướng dẫn và đã được nhất trí. Đồng thời nhà trường đã họp với tổ năng khiếu vào ngày 15/12/2017 sau khi họ có ý kiến về việc thu chi, sau đó đã có văn bản, được toàn bộ kí”, bà Thúy cho biết.
Bà Thúy cho biết thêm, tại cuộc họp này, nhà trường đã trả lời việc thu chi hàng năm được thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ, có quyết toán công khai và được toàn thể hội đồng nhất trí, không có ý kiến gì. Vậy cho nên không có số tiền dư hàng năm để truy lĩnh.
Về thắc mắc của giáo viên liên quan đến số tiết thực dạy tăng cường của tổ Văn thể mỹ có khoảng 1,5 tiết/tuần nhưng bị tính thành 10 tiết/tuần, bà Thúy cho hay, cách tính này của giáo viên chưa chuẩn xác.
“Nhà trường đã họp hội đồng vào ngày 24/11/2017, mọi người đã đồng ý với cách tính và bắt đầu thực hiện trả lương 2 buổi/ngày bắt đầu từ tháng 11/2017”, bà Thúy nói.
Trả lời câu hỏi, tại sao cuộc họp công khai toàn trường mới nhất ngày 24-11-2017, đơn giá lại được điều chỉnh từ 34.000 đồng/tiết lên 52.000 đồng/tiết?
Bà Thúy cho biết, hàng năm UBNQ quận có một văn bản về việc chấp thuận các khoản thu chi. Theo đó, các trường thực hiện thu chi theo đúng tỉ lệ được cho tại văn bản này. Trong tỉ lệ chi này, quy định cho các cán bộ giáo viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy là 60%. Khi các bạn có ý kiến cần phải tạo điều kiện (về thu nhập- PV) cho giáo viên trong trường, chúng tôi đã thảo luận công khai và co hẹp bớt đối tượng được hưởng chế độ 60%, để tăng thu nhập cho các đối tượng còn lại lên 71,5%. Do đó, số tiền của đối tượng còn lại được tăng lên.
Cô Thạch Anh Thư chia sẻ với chúng tôi: “Tôi là giáo viên lâu năm trong nhà trường. Mặc dù không liên quan đến tổ Văn thể mỹ nhưng tôi muốn lên tiếng vì sự công bằng cho các đồng nghiệp khác. Chúng tôi không bình luận nhiều việc ai sai ai đúng ở đây bởi đơn giản, việc nhà trường điều chỉnh đơn giá từ 34.000 đồng lên 52.000 đồng/tiết dạy từ tháng 11/2017 là nhà trường đã thừa nhận sai sót”.
Cũng theo cô Thư, mỗi năm số lượng học sinh luôn biến động nên chắc chắn số tiền thu được phải khác đi. Thu được nhiều thì giáo viên sẽ nhận được cao hơn theo công thức tính đơn giá, thế nhưng những năm qua, số tiền giáo viên được nhận vẫn giữ nguyên ở con số 34.000 đồng/tiết . Chẳng hạn năm học 2015-2016 số lượng học sinh là 1.496 em, năm học 2016-2017 số lượng học sinh tăng lên là 1.513 học sinh. Năm học 2017- 2018, học sinh lại giảm còn 1.454 em.
Vì thế theo cô Thư, các giáo viên cần câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng!
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí