Giáo dục

Giáo viên phấn chấn với chủ trương bỏ thi thăng hạng

Nhiều giáo viên ở Thanh Hóa đang rất phấn chấn trước thông tin Chính phủ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Thầy và trò Trường THPT Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại buổi làm việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023 có nội dung về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Văn bản nêu: “Về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức”.

Đến đầu tháng 9, Bộ Nội vụ cũng đã thông tin chính thức về việc có 94/95 bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức. Đây là thông tin mà viên chức, trong đó có ngành Giáo dục rất mong chờ.

Bỏ thi thăng hạng như trút được gánh nặng

Là người đã có thâm niên công tác, cô Lê Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thi B, TP Thanh Hóa, cho rằng: Việc bỏ thi thăng hạng là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng đã rất rõ ràng. Đối chiếu theo các điều kiện đó khi giáo viên đáp ứng đầy đủ, thì xét giống như xét tăng lương thường xuyên.

“Nếu thực hiện được như vậy, sẽ đỡ tốn kém về thời gian, tiền bạc hơn tổ chức các kỳ thi theo kiểu bắt học thuộc lòng. Và đặc biệt, sẽ tránh tình trạng thiếu trung thực trong tổ chức thi”, cô Lan Anh nói.

Cô Lan Anh cho biết thêm, từ trước đến nay, GV mầm non không có giáo viên hạng 1, mà chỉ được xếp 3 hạng là, hạng IV, hạng III và hạng II. Trong đó, chấp nhận điều kiện trình độ chuẩn là ở mức Trung cấp. Tuy nhiên, bây giờ theo Thông tư 08/2023 và các quy định mới, thì từ tháng 5/2020 giáo viên mầm non được chuyển đổi hạng. Tức là chỉ có 3 hạng, giống như các cấp học khác, gồm: Hạng III, hạng II và hạng I.

“Từ tháng 7/2008, tôi đã được hưởng lương hạng II. Như vậy, tính đến nay đã là 15 năm rồi. Nếu bây giờ được bỏ thi thăng hạng, mà chỉ xét thăng hạng, thì sẽ giúp cho những giáo viên có tuổi đời, thâm niên công tác giống tôi như trút được gánh nặng”, cô Lan Anh nói.

Cô và trò Trường Mầm non Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: TL

Cũng theo cô Lan Anh, đến tháng 5/2023, lương của cô được chuyển sang hạng II mới. Nhưng nếu để đối chiếu theo tiêu chuẩn của quy định mới này, thì cô giáo này đã thừa điều kiện để được xét thăng hạng I.

Tuy nhiên, do mới có quy định mới, nên chưa thể tổ chức cuộc thi hay cuộc xét được, nên nhiều người như cô giáo Lan Anh đang rất mong chờ. Bởi, lâu nay giáo viên mầm non không có chức danh hạng I, mà chỉ có chức danh hạng II, nên rất thiệt thòi.

“Nếu chiếu theo quy định 9 năm công tác để được xét thăng hạng (từ hạng II lên hạng I, hoặc từ hạng III lên hạng II), thì bản thân tôi đã thừa nhiều năm theo quy định. Như vậy, khi được xét thăng hạng (từ hạng II lên hạng I), thì tôi có được hưởng truy lĩnh khoản lương mà nhiều năm qua chưa được hưởng hay không?”, cô Lan Anh đặt câu hỏi.

Tâm tư của giáo viên nhiều tuổi

Thầy Lê Văn Sức - giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) năm nay 53 tuổi, đã công tác ở miền núi Thanh Hóa từ năm 2002. Đến nay, thầy Sức cũng đã cao tuổi và đang cố gắng “bám nghề” để chờ vài năm nữa xin nghỉ chế độ.

Thầy Sức cho rằng, việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà dùng phương án xét là hợp lý, hợp với chủ trương chung của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như nguyện vọng tha thiết của hàng vạn giáo viên tỉnh Thanh Hóa nói riêng và giáo viên cả nước nói chung.

“Xét thăng hạng sẽ đánh giá đúng hơn về năng lực của giáo viên trong quá trình công tác, cũng sẽ khích lệ lớp giáo viên trẻ có động lực để phấn đấu, cống hiến. Họ sẽ là những giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, những chiến sĩ thi đua sau này.

Hơn thế nữa, xét thăng hạng còn là sự quan tâm, động viên, ghi nhận của cấp trên đối với đội ngũ giáo viên có nhiều thành tích, cống hiến, gắn bó với ngành giáo dục”, thầy Sức chia sẻ.

Thầy Lê Văn Sức dạy học trò của mình ở điểm trường bản Tân Sơn, Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: TL

Cũng theo thầy Sức, tháng 1/2013, thầy nhận bằng đại học. Lẽ ra, sau khi đủ 9 năm, thì các cơ quan chức năng liên quan phải tổ chức cho thầy được thi thăng hạng, để được ăn lương theo quy định (hạng II). Thế nhưng, đến nay đã hơn 10 năm, nhưng thầy giáo này vẫn chưa được dự thi, hoặc xét thăng hạng mà vẫn hưởng lương hệ cao đẳng.

"Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Hơn nữa, nếu cấp trên không thay đổi quy định cũ, thì đối với lớp giáo viên trẻ, họ cũng sẽ giảm nhiệt huyết và tinh thần phấn đấu, cống hiến cho ngành”, thầy Sức chia sẻ.

Điều trăn trở nhất của thầy giáo này là, theo quy định như hiện nay, sau 9 năm mới đủ điều kiện thi thăng hạng (từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I), có nghĩa là phải chờ đợi 18 năm.

“Nếu bây giờ tôi và những giáo viên giống tôi được thăng hạng từ hạng III lên hạng II, thì phải 9 năm nữa mới có cơ hội thăng lên hạng I. Như vậy, những người cao tuổi như chúng tôi cũng không còn cơ hội để phấn đấu”, thầy Sức tâm sự.

Theo quy định tại Điều 7, mục 2 trong Thông tư 08/2023 của Bộ GD&ĐT, nêu: “Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24), khi được xác định là người trúng tuyển trong kì thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non từ hạng II lên hạng I”.

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok