Giáo dục

Giáo viên như thế, trách sao lãnh đạo hư

Tính đa nghi, hay suy diễn lung tung trong một bộ phận thầy cô giáo về công tác bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo là có thật.

“Chim khôn giấu mỏ, người khôn giấu lời"

LTS: Tiếp tục câu chuyện xoay quanh Ban giám hiệu, hôm nay thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đưa ra quan điểm phản biện ý kiến của cô Đỗ Quyên khi cô cho rằng: "Không ít giáo viên đã bị “thân bại danh liệt” chỉ vì trót “vạ miệng” đó sao, mặc dù đó là những lời nói thật về Ban giám hiệu" (trích trong bài viết “Chim khôn giấu mỏ, người khôn giấu lời" của cô đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 29/6 vừa qua).

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả toàn bộ ý kiến của thầy.


Bài viết: “Chim khôn giấu mỏ, người khôn giấu lời" của cô giáo Đỗ Quyên, đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 29/6 lại tiếp tục đề cập mối quan hệ giữa giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường từ bài viết của tôi (Đỗ Tấn Ngọc) “Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong tay nhưng sao giáo viên còn ca thán?" (Báo điện tử giáo dục Việt Nam đăng ngày 24/6).

Trước hết, tôi cảm ơn tác Đỗ Quyên và nhiều thầy cô giáo đã quan tâm, bình luận và trao đổi về bài viết trên của tôi.

Nhưng để cô Đỗ Quyên và các độc giả, nhất là thầy cô giáo cả nước, biết và hiểu hơn về quy trình lựa chọn cán bộ và thực tế cách đánh giá của giáo viên về lãnh đạo nhà trường, trong phạm vi bài viết này, tôi có mấy ý kiến trao đổi.

Hieu truong
Tính đa nghi, hay suy diễn lung tung trong một bộ phận thầy cô giáo về công tác bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo là có thật. (Ảnh: GD&TĐ)

Về quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục, cô Đỗ Quyên và nhiều giáo viên khác phải thừa nhận với tôi rằng, công tác quy hoạch cán bộ nguồn; văn bản, quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo theo quy định của ngành giáo dục, của Bộ Nội nội, của UBND tỉnh, những năm gần đây là rất chặt chẽ, bài bản, nghiêm túc.

Nơi nào cũng thực hiện đúng theo chỉ dẫn, quy định thì chắc chắn không có chuyện cảm tính, quan hệ, chạy chọt…trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Thực tế, vẫn có nơi vô tình hoặc cố ý làm chưa tốt, chưa đúng công tác quy hoạch, bổ nhiệm dẫn đến những dư luận, hậu quả xấu, làm suy giảm niềm tin của người lao động đối với lãnh đạo, công tác tổ chức.

Song nhìn tổng thể, hầu hết các đơn vị nhà trường dưới sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của các Phòng, Sở GD&ĐT, lâu nay thực hiện khá, tốt nhiệm vụ quan trọng và nhạy cảm này.

Đầu tiên là quy hoạch nguồn, năm nào cũng làm công tác này, mỗi chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có đến từ 3 đến 9 đối tượng nguồn (gọi là quy hoạch mở).

Muốn được đưa vào quy hoạch, các đối tượng ấy phải thông qua giới thiệu của Ban giám hiệu, của Chi bộ, Đảng ủy, rồi đem ra lấy phiếu tín nhiệm tại hội đồng sư phạm nhà trường, tiếp đến lấy phiếu tín nhiệm tại Liên tịch mở rộng.

Tất nhiên, không phải thầy cô giáo nào thuộc diện cán bộ quy hoạch cũng là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng ngay sau đó.

Khi nhà trường cần thêm cán bộ lãnh đạo, đơn vị sẽ họp bàn, cân nhắc, lựa chọn ít nhất 2 cán bộ nguồn để đem ra hội đồng sư phạm xem xét, mọi thầy cô giáo thuộc biên chế có quyền bỏ phiếu tín nhiệm.

Ở địa phương khác thì tôi không rõ, nhưng ở địa phương tôi 2 năm trở lại đây, phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo bậc THPT (bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại) đều được cán bộ Sở GD&ĐT và nhà trường kiểm phiếu và công bố, công khai tỉ lệ, số phiếu đạt được ngay tại chỗ.

Cách làm mới này của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi được mọi cán bộ, giáo viên rất đồng tình, ủng hộ, nó đã xua tan, đẩy lùi cái suy nghĩ, nghi ngại vốn có của nhiều giáo viên nhà mình, các ông không công khai ở đây, đem lên Sở, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra….

Tính đa nghi, hay suy diễn lung tung trong một bộ phận thầy cô giáo về công tác bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo là có thật.

Tôi cho rằng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nói chung, ngành giáo dục nói riêng luôn là nhiệm vụ nhạy cảm, khó khăn và nặng nề.

Nó đòi hỏi các đơn vị nhà trường, đặc biệt Ban giám hiệu, Chi bộ, đảng ủy cần định hướng,phân tích, lựa chọn cán bộ, một cách bình tĩnh, sáng suốt để có được những cán bộ lãnh đạo vừa có tâm vừa có tài.

Cần nói thêm, một số giáo viên nhà ta không được Ban giám hiệu, thầy cô giáo nhà trường lựa chọn, tín nhiệm đâm ra có những suy nghĩ, biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, đổ lỗi cho tập thể; nói xấu lãnh đạo thế nọ thế kia; thầy cô giáo khác nhờ quan hệ, chạy chọt mới lên chức, chứ có tài cán, giỏi giang gì đâu.

Thậm chí, có người không được gì thì căm thù, tức tối, “không ăn được thì đạp cho đổ”, giở thói “ quậy phá”, gây mất đoàn kết, chuyện như con thỏ lại đem đơn từ đi thưa kiện khắp nơi. Thầy, cô giáo- đội ngũ trí thức như vậy coi có được không?

Phiếu tín nhiệm được trao cho mỗi thầy cô giáo để chọn cán bộ nguồn, bổ nhiệm là thể hiện quyền dân chủ, quyền làm chủ của thầy cô giáo. Tại sao, nhiều giáo viên bảo chúng tôi chẳng có cái quyền gì hết?

Có không ít giáo viên bây giờ hiểu biết rất lơ mơ về các quy định, hướng dẫn, điều kiện cần và điều kiện đủ trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, dẫn đến nhìn nhận méo mó, xuyên tạc…

Mặt khác, một số thầy cô giáo khi đánh giá, nhận xét, bỏ phiếu cán bộ lãnh đạo còn rất cảm tính, không phân biệt được đâu là chức trách nhiệm vụ, đâu tình cảm, tính cách; thấy người nào dễ dãi, nhẹ nhàng thì cho là tội nghiệp, dễ thương; thấy người nào nguyên tắc, làm việc chặt chẽ, hay nói thẳng, nói thật thì cho là hắc ám, đáng ghét.

Khi lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lại có trường từng xảy ra tình cảnh trớ trêu,lúc nhận xét thì ai cũng khen ngợi, đánh giá cao thầy Hiệu trưởng ấy hết lời nhưng kết quả phiếu lại không đủ quá bán, khiến tổ chức cấp trên phải đau đầu.

Có thể nói, một bộ phận giáo viên chúng ta còn cảm tính, hạn chế nhiều về nhận thức, về đánh giá lãnh đạo. Thiếu đi độ công tâm, khách quan, dựa trên những cơ sở khoa học và công việc thực tế. Có người vô tâm, bàng quan, hờ hững khi đánh giá, nhận xét cán bộ.

Có rất nhiều giáo viên khi thấy cán bộ lãnh đạo nhà trường không phù hợp với mình, mình chẳng “nhờ vả” được gì đâm ra chán ghét, đổ thừa cấp trên bổ nhiệm không đúng người, đúng việc…

Cấp trên nhiều nơi có lý khi coi việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ quản lý của giáo viên chỉ là một kênh để tham khảo, xem xét.

Từ bài viết của cô Đỗ Quyên và nhiều bình luận của các thầy cô giáo, tôi đúc kết ngắn gọn rằng: Nhận thức hạn chế, bản tính hèn nhát và đầy toan tính của một bộ không nhỏ giáo viên về công tác cán bộ hiện nay góp phần làm cho giáo dục nước nhà càng bệ rạc, xuống cấp....

Đấu tranh nửa vời, sợ hãi đủ thứ, để lãnh đạo có quyền sát quyền sinh....không phải lỗi của giáo viên thì của ai đây?

Các vị giáo viên cứ luôn miệng đổ thừa cho cơ chế, cho lãnh đạo thế này, thế nọ. Tại sao các vị không nhìn lại mình, mình đã làm được những gì cho giáo dục, cho đất nước này?

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok