Giáo dục

Giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục sửa những quy định nào ở Thông tư 30?

Nên chấm điểm cho học sinh về mặt kiến thức vào thời điểm giữa lớp 3 đến hết lớp 5 để khích lệ học sinh, và chỉ cho điểm những em đạt từ điểm 7 trở lên.

LTS: Góp ý về sửa đổi Thông tư 30, thầy giáo Trần Trí Dũng đã gửi tới tòa soạn bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo Dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 quy định cách đánh giá học sinh Tiểu học.

Theo đó, thay vì dùng điểm số thường xuyên, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh Tiểu học trong quá trình học tập.

Đây là một chủ trương hoàn toàn mới mẻ đối với giáo dục Việt Nam.

Chủ trương đưa ra nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều

Tính đến nay đã được hai năm, kể từ khi Thông tư 30 đi vào thực tiễn; tuy nhiên, trong suốt quá trình đó đã có rất nhiều những phản hồi khác nhau về việc thực hiện chủ trương mới này, thậm chí, đã tạo ra những bức xúc trong ngành giáo dục và xã hội.

kjh
Giáo viên viết nhận xét thay vì chấm điểm học sinh (Ảnh nguồn: infonet.vn).

Cụ thể, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều các bài viết khác nhau về việc thực hiện Thông tư 30.

Vì vậy, bài viết này cũng mong được góp thêm một số quan điểm và ý kiến về Thông tư, đặc biệt là góp thêm tiếng nói tham khảo khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương sửa lại Thông tư trước thềm năm học mới.

Khi nói về chủ trương sửa lại Thông tư 30, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đương nhiệm Phùng Xuân Nhạ đã nói, ông đánh giá rất cao bậc Tiểu học, đó là bậc nền tảng, các cháu phải được học, được đánh giá một cách hết sức nhẹ nhàng, căn bản chứ không phải thí nghiệm để cho mô hình này, mô hình kia, và cũng không phải là chỗ để tranh luận cho người lớn (Theo Dân trí).

Bộ trưởng nói thế là đúng, nhưng cần phải nhìn nhận rằng một chủ trương dành cho con trẻ mà bị đưa ra tranh luận thì cần phải đặt ngược lại câu hỏi là nguyên nhân vì sao lại thế...?

Trên thực tế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển lại nói trong việc triển khai Thông tư 30:

"Chính người làm cũng không lường hết được khó khăn như thế nào mà phải qua thực tiễn mới bật ra được chỗ yếu để chỉnh sửa" (Theo Vietnamnet.vn).

Nếu Thứ trưởng đã nói như thế thì đúng là cần phải xem lại cách ban hành một chính sách của một cơ quan đầu ngành trong quản lý Nhà nước (!).

Bác Hồ từng nói:

“Trẻ em như búp trên cành; biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”.

Ở độ tuổi này, trẻ em là lớp người nhạy cảm, tâm lý và nhận thức chưa ổn định, thích khen và mọi thứ đều đang phát triển; chính vì thế, một chính sách đúng đắn sẽ mang lại hiệu quả cao về trước mắt cũng như lâu dài, là nền tảng cho những cấp học sau.

Luật phổ cập giáo dục Tiểu học đã quy định rõ:

"Giáo dục Tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ xây dựng và phát triển tình cảm, đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ và thể chất của trẻ em, nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa" (Điều 2).

Cùng với đó, Luật Giáo dục đã quy định, mục tiêu của giáo dục Tiểu học là nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học Trung học Cơ sở (Điều 27).

Nói về Thông tư 30, về mặt tư tưởng, việc dùng những lời nhận xét, đánh giá học sinh trên ba nội dung (kiến thức, năng lực và phẩm chất) đã thể hiện sự quan tâm phát triển toàn diện học sinh về mặt con người.

Trong mối quan hệ giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội, thì đây là một chủ trương đúng đắn.

Việc dùng những lời nhận xét thường xuyên tạo ra sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh, thể hiện sự quan tâm của gia đình và nhà trường, sự đoàn kết gắn bó và cùng giúp đỡ lẫn nhau giữa các học sinh.

Đặc biệt, việc không so sánh giữa các học sinh với nhau là một tinh thần mang tính nhân văn cao rất cao.

Tính nhân văn còn được thể hiện ở chỗ, trong quá trình dạy học, giáo viên luôn hỗ trợ, tư vấn, động viên các em, giúp học sinh đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng, phát triển toàn diện.

Điều này góp phần tạo ra sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh, không tạo áp lực về điểm số cho bản thân học sinh và các bậc cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ chủ trì) sau khi phỏng vấn các giáo viên đã công bố:

63,7% số giáo viên cho là sau một năm thực hiện Thông tư 30: “Học sinh lười học hơn trước”;

30,5% cho là: “Bình thường”;

chỉ có 5,9% cho là: “Học sinh chăm học hơn trước”.

Và nhận xét về nguyện vọng của học sinh, 93,8% số giáo viên được phỏng vấn cho rằng học sinh có học lực Khá trở lên đều muốn đánh giá bằng điểm số; trong khi đó, 59,9% cho rằng, học sinh có học lực Yếu thích được đánh giá bằng nhận xét; 20,9% cho rằng, những học sinh này thích được đánh giá bằng điểm số.

Những kết quả này khiến chúng ta phải suy nghĩ đối với một chủ trương được coi là đúng đắn về tinh thần và tư tưởng.

Chỉ chấm từ điểm 7 trở lên vào giữa lớp 3 để khích lệ các em

Ở đây, cần nhìn nhận lại rằng, học sinh Tiểu học đang ở độ tuổi phát triển suy nghĩ và nhận thức; vì thế, việc bỏ điểm số để đánh giá đã vô tình cào bằng năng lực của các em.

Dễ nhận thấy rằng, học sinh lớp 1 là chưa thể biết đọc biết viết, chưa có kỹ năng tính toán nên không thể áp dụng việc nhận xét bằng cách viết vào vở của học sinh.

Sang lớp 2, học sinh đã có thể đọc viết thành thục và có kỹ năng ban đầu trong tính toán.

Tới năm lớp 3, học sinh đã bắt đầu có sự hình thành ban đầu về tư duy, về mặt con người và cũng đã bắt đầu hiểu về mình và những việc làm của mình, tuy chưa có định hình về ý thức.

Tuy nhiên, nếu nói rằng học đến lớp 5 là có thể tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình thì chưa thể như Thông tư đã đưa ra tiêu chí để nhận xét đánh giá.

Vì thế, việc chúng ta bỏ hẳn chấm điểm thường xuyên trong cách đánh giá học sinh ở độ này là không nên.

Bởi lẽ học đến hết lớp 3 là có thể biết mình ở một mức độ nhất định.

Mặt khác, việc đánh giá bằng điểm số được ghi nhận như một thành quả học tập, dựa trên nguyên tắc làm được đến đâu là có công tới đó, vì thế, việc cho điểm sẽ là một sự khích lệ hiệu quả đối với học sinh.

Do đó, chúng tôi cho rằng, nên chấm điểm cho học sinh về mặt kiến thức vào thời điểm khi bắt đầu học kì II của lớp 3 cho đến hết lớp 5 để khích lệ học sinh học khá, và chỉ cho điểm nếu học sinh có thể đạt từ 7 điểm trở lên.

Học sinh trong độ tuổi Tiểu học luôn cần sự quan tâm, và các phụ huynh thì cũng luôn quan tâm đến việc học hành của con cái mình.

Tuy nhiên, việc Thông tư quy định không cụ thể về việc cha mẹ cùng tham gia nhận xét đánh giá con cái mình là một trở ngại. Bởi lẽ trên thực tế, cha mẹ không biết nhận xét như thế nào, về mặt nào, hoặc đa phần đều cho con mình là tốt; vì thế, cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

Bên cạnh đó, trong việc khen thưởng đối với học sinh, việc Thông tư quy định học sinh tự bình bầu các bạn để khen thưởng là sự thể hiện một sự hạn chế; việc làm này đối với con trẻ dễ làm mất đi sự hồn nhiên và vô tư, như là nhận xét điểm xấu của bạn khác để tôn mình lên.

Do đó, quy định này là thiếu tính khả thi.

Việc quy định không chấm điểm và thay vào đó là nhận xét của giáo viên cũng có sự hợp lý nhất định, nhất là đối với các em có kết quả chưa tốt.

Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể hơn về việc ghi lời nhận xét vào các sổ lưu trữ, bởi lẽ với sĩ số của lớp học quá đông thì sẽ rất vất vả cho các giáo viên, và còn rất ít thời gian để giảng dạy.

Thông tư yêu cầu đánh giá về tình yêu quê hương đất nước của học sinh, tuy nhiên, trong giáo dục Tiểu học hiện nay chúng ta chỉ định hướng và giáo dục học sinh những ý niệm ban đầu về tình yêu đối với quê hương đất nước.

Do đó, việc đánh giá các em về những cảm xúc này là khó khả thi đối với các em ở độ tuổi này.

Việc Thông tư quy định học sinh có thể được khen thưởng về nhiều mặt khác nhau là có thể khuyến khích được học sinh, tuy nhiên vẫn cần có những quy định cụ thể hơn vì việc có nhiều nhiều loại giấy khen khác nhau sẽ làm khó cho hoạt động khuyến học khuyến tài, khó xác định được là đối tượng nào xứng đáng được khen thưởng.

Một vài quan điểm trên xin được đóng góp cho quá trình sửa đổi Thông tư 30, hy vọng rằng chúng ta sẽ có một thế hệ học sinh Tiểu học nhân văn, được phát triển toàn diện trong tương lai.

Tác giả bài viết: Trần Trí Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok