Giáo dục

Giáo viên hợp đồng, đã chấp nhận cuộc chơi, sao còn khóc lóc, than vãn?

Nhiều trường khẳng định không có chuyện “chạy” giáo viên hợp đồng; việc các thầy cô chấp nhận làm hợp đồng cũng đều đã có thỏa thuận từ đầu...

Câu chuyện giáo viên hợp đồng đang là một mối quan tâm của cả ngành giáo dục.

Nhiều giáo viên tâm sự rằng, họ phải “chạy chọt”, “đút lót” mới xin được vào làm hợp đồng. Mất tiền mới vào được, nhưng chỉ hợp đồng từng năm một, hết năm nay lại quay lại giống như năm đầu.

Tiền lương ít ỏi, mỗi lần hết thời hạn hợp đồng họ lại phải mất thêm một khoản tiền nữa để gia hạn, thế nhưng nhiều giáo viên vẫn cố bám trụ với hy vọng một ngày nào đó được biên chế.

Tậm sự của nhiều giáo viên hợp đồng về sự bấp bênh, khó khăn khi theo nghề đã khiến không ít người cảm thông, sẻ chia và đồng cảm với họ.

anh 3

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trước khi vào làm việc thì hai bên (cơ quan có thẩm quyền hợp đồng và giáo viên) đã có sự thỏa thuận. Các thầy cô chấp nhận những điều kiện đó rồi thì sao lại còn than vãn.

Nếu có tình trạng “chạy chọt”, “đút lót” thì chính những giáo viên hợp đồng này là một phần nguyên nhân dẫn đến việc hối lộ trong ngành giáo dục.

Để có cái nhìn rộng hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo một số trường học để tham khảo xem họ nhìn nhận, đánh giá như thế nào về giáo viên hợp đồng.

Theo đó, hầu hết họ đều khẳng định, không có chuyện “chạy” giáo viên hợp đồng vì nhà trường chỉ tuyển những người thực sự giỏi, vào những vị trí mà trường đang thiếu.

Còn việc hợp đồng từng năm một thì đó là theo quy định, nhưng những điều này cũng đã nói rõ trong hợp đồng nên không thể trách ai được.

Giáo viên hợp đồng cũng được hưởng mọi quyền lợi và tham gia các hoạt động như giáo viên chính thức. Nếu nhìn từ bên ngoài thì không ai phân biệt được giáo viên hợp đồng với giáo viên chính thức.

Cô Hà Thị Vẽ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đồng Phú (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, trường cô chỉ tuyển giáo viên hợp đồng khi có bộ môn nào đó chưa có giáo viên biên chế hoặc những vị trí mà trường chưa tuyển dụng kịp.

“Ở những nơi khác, tôi không biết có tình trạng “chạy chọt” hay không, nhưng với trường tôi thì không có. Chúng tôi chỉ tuyển hợp đồng vào vị trí nào chúng tôi cần và tuyển những người thực sự giỏi.

Hơn nữa, trong hợp đồng chúng tôi cũng nói rõ, khi các thầy cô đang dạy ở đây mà có điều kiện xin được chính thức ở nơi khác thì nhà trường sẽ tạo điều kiện cho họ nghỉ.

Và ngược lại, hết thời hạn hợp đồng mà nhà trường không cần nữa thì chúng tôi sẽ cho nghỉ”, cô Vẽ cho biết.

Cũng như cô Vẽ, cô Lê Thị Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cũng khẳng định, cô làm việc đã hàng chục năm nay nhưng chưa thấy có tình trạng “chạy chọt” để vào hợp đồng.

“Qua thực tế của tôi và của nhiều trường tại huyện Quảng Ninh mà tôi từng tiếp cận thì không có tình trạng “chạy”giáo viên hợp đồng.

Lương hợp đồng có được bao nhiêu đâu, lại còn từng năm một thì có gì mà chạy chọt”, cô Lan nói.

Theo cô Lan, hiện trường của cô không có giáo viên hợp đồng, nhưng trước đây cô từng làm việc ở những trường khác có giáo viên hợp đồng.

Cô Lan cho biết, nếu tuyển được những thầy cô có kinh nghiệm thì nhà trường đỡ được khoản bồi dưỡng, chứ những cô mới ra trường thì vừa phải giúp họ trong quá trình giảng dạy, vừa phải bồi dưỡng thêm chuyên môn nghiệp vụ.

Trong khi đó, nếu là giáo viên chính thức thì nhà trường sẽ được hưởng chế độ hướng dẫn tập sự.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Qúy Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình.

Ông Nhân cho rằng, nơi nào có thẩm quyền hợp đồng thì phải nói rõ ràng hợp đồng viên chức hay thời vụ, không nên dựa vào quy định nào đó để hứa này khác với người ta.

Người đứng ra xin hợp đồng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình, chứ không thể cứ ai nói gì thì làm theo.

Trước khi vào làm việc, hai bên phải thỏa thuận rõ ràng và cùng chấp thuận những điều khoản đó để sau này không ai trách ai được.

“Làm việc hay làm gì thì cũng vì con người, nên phải có những chính sách chứ làm hợp đồng mà không đảm bảo chế độ, chính sách cho những giáo viên đó thì không được”.

Còn vấn đề “chạy chọt” để vào làm giáo viên hợp đồng, ông Nhân cho biết có nghe nói nhưng chưa phát hiện.

“Tôi nghĩ khả năng là có, nhưng chúng tôi chưa phát hiện được nên không dám nói.

Nhưng nếu có cái đó thì không nên, vì lương hợp đồng có được bao nhiêu đâu mà phải chạy chọt, rồi biết sau này được tuyển dụng vào chính thức không?”, ông Nhân nói.

Tác giả bài viết: Thủy Phan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok