Dưới đây là bài viết của Alexei Oreskovic, một cây viết của trang Business Insider, thực hiện sau một chuyến du lịch tại thủ đô Hà Nội.
"Xe hơi tự lái đang dần trở thành một xu thế, với sự tham gia của hàng loạt công ty công nghệ và ô tô hàng đầu thế giới, từ Google cho đến Ford. Việc thử nghiệm đang được tiến hành ở nhiều nơi; gần đây là taxi tự lái ở Singapore.
Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ phổ biến hơn và ai cũng có thể thử trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi ngồi trên những chiếc xe hoàn toàn không có người lái. Chiếc xe sẽ tự động tránh các phương tiện phía trước, và tự dừng trước đèn đỏ.
Tuyết và băng vẫn đang là thách thức lớn nhất, nhưng rồi công nghệ sẽ xử lý được. Dù vậy, chuyến du lịch đầu tiên của mình đến Việt Nam, tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng ô tô tự lái sẽ gặp khó khăn hơn thế nhiều nếu tới đây.
Mô hình xe hơi tự lái của Google
Những ai đã quen với việc lái xe ở Mỹ sẽ thấy cảnh tượng giao thông ở Việt Nam thực sự hỗn loạn. Nhiều tuyến phố (phố cổ Hà Nội) thậm chí không có đèn giao thông, còn người tham gia giao thông thì di chuyển hoàn toàn tự do theo ý thích. Và bằng một cách thần kỳ nào đó, hiếm khi họ va vào nhau.
Con người có khả năng tiếp nhận các tín hiệu thu được từ hình ảnh, âm thanh, kết hợp với khả năng xử lý tình huống tuyệt vời của não bộ, nên có thể xử lý được việc này.
Tuy nhiên, ô tô tự lái cho đến nay vẫn hoạt động dựa trên phần mềm được lập trình sẵn, và chưa thực sự sẵn sàng để đương đầu với các tình huống khó. Hồi đầu năm nay, một chiếc xe tự lái của Google đã va chạm với một xe buýt tại ngã tư Mountain View, California cũng bởi hệ thống đã phán đoán sai tình huống, cho rằng chiếc xe buýt sẽ dừng hoặc đi chậm lại.
Trên những tuyến phố như tại Việt Nam, một chiếc xe hơi tự lái có lẽ cần phải thực hiện hàng trăm phán đoán tình huống khác nhau mới có thể đưa ra được cách thức di chuyển chính xác.
Ấy là chưa kể tới hàng tá xe máy, xe ô tô, cộng với người đi bộ di chuyển tự do trên lòng đường, không hề theo một quy tắc nào. Thật dễ dàng để tưởng tượng cảnh một chiếc xe tự lái nếu vận hành ở đây, sẽ không biết phải phán đoán thế nào và chỉ biết đứng im vì không dám thực hiện bất kỳ di chuyển nào.
Mặc dù vậy, không phải là công nghệ không thể giải quyết được, vấn đề là sẽ mất bao nhiêu thời gian để làm được điều đó.
Mô hình mạng lưới xe tự lái của giáo sư Raj Rajkumar
Giáo sư Raj Rajkumar của Đại học Carnegie Mellon, một trong những chuyên gia hàng đầu về xe hơi tự lái cho rằng hệ thống giao thông tại những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, hay Ấn Độ sẽ là những thử thách lớn đối với họ. Ông cho rằng sẽ phải mất nhiều hơn một thập kỷ để công nghệ xe tự lái trở nên khả dụng tại đây.
"Quan trọng hơn", giáo sư Rajkumar giải thích, "ngành công nghiệp cần phải "giải mã" cách vận hành của hệ thống giao thông tại những nơi như Việt Nam. Không giống như ở Mỹ, nơi người điều khiển giao thông tuân thủ các quy tắc được thiết lập rõ ràng, các tài xế ở Việt Nam dường như sử dụng các quy tắc "ngầm" để điều khiển phương tiện của họ.
Tất nhiên, những khu vực như Việt Nam không thuộc nhóm thị trường đầu tiên mà ngành công nghiệp xe hơi tự lái hướng tới. Do vậy hệ thống xử lý tình huống giao thông tại đây cũng sẽ không được ưu tiên.
Người ta sẽ sớm thấy xe hơi tự lái chạy trên đường phố của thung lũng Silicon, nhưng phần còn lại của thế giới có thể sẽ còn phải đợi rất, rất lâu nữa mới được trải nghiệm cảm giác rời khỏi tay lái xe hơi."
Tác giả bài viết: Nguyễn Nguyễn