Giáo dục

Giáo dục Việt Nam lọt top 10 thế giới: Khó hiểu!

Giáo viên trung học đang dạy môn ngôn ngữ lập trình Pascal, trong khi trên thế giới không còn nơi nào dạy chương trình này.

Tại buổi tọa đàm "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn vào chiều 2/5, nhiều ý kiến đã cho rằng, Việt Nam hiện nay vẫn còn đang dạy cái thế giới không còn dạy.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nhận định, công nghệ số, mạng ảo đang tác động lại cuộc sống thật. Nếu cứ giữ như hiện tại, người ta đi lên, chúng ta đi ngang, khoảng cách với các nước khác sẽ càng xa.

"So với các nước xung quanh, giáo dục chúng ta còn chênh lệch. Báo cáo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch - đầu tư gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức ghi nhận, đánh giá là 1 trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương", ông Bình nói thêm.

Trong khi đó, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, nếu nói giáo dục Việt Nam là 1 trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới có thể hiểu được, còn top 10 tốt nhất thì thật khó hiểu, khi đang mang nặng tính đối phó.

"Phải xây dựng hệ giá trị của giáo dục là thực chất chứ không phải đối phó, thành tích như hiện nay", ông Thêm đề xuất.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội (đứng). Ảnh: UED

PGS-TS Phạm Thế Bảo, giảng viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ nhiều tâm tư về việc dạy học tin học trong trường phổ thông hiện nay.

Ông Bảo nói: "Một số giáo viên dạy tin học trường phổ thông cho tôi biết họ đang dạy môn ngôn ngữ lập trình Pascal, trong khi trên thế giới không còn nơi nào dạy chương trình này. Tuy nhiên họ không dám đổi chương trình, nếu đổi thì sẽ bị kỷ luật".

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay:

"Có ý kiến phê bình đến thời điểm này trường học vẫn dạy ngôn ngữ Pascal nhưng nói thật có những thời điểm chúng tôi giả bộ như không thấy, không biết để các trường được dạy chương trình mới. Dù bỏ qua nhưng trong văn bản vẫn phải phê bình các trường chứ không thể làm khác quy định của Bộ".

PGS-TS Kiều Phương Chi, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Sài Gòn nhấn mạnh, với cách kiểm tra, đánh giá như hiện nay thì chương trình phổ thông mới không đạt yêu cầu, ít nhất với môn toán.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng cần có sự liên kết đào tạo giữa các ngành, môn học với nhau.

Cụ thể là khuyến khích cách tiếp cận theo từng nhóm khác nhau, ví dụ sinh viên định hướng nghiên cứu, khởi nghiệp… để cá thể và chuyên biệt hóa từng người.

Trước góp ý của các đại biểu, PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, chính sách đối với giáo viên sắp tới sẽ có thay đổi.

"Khi nào không còn văn mẫu, học sinh không ngại nói khác những điều giáo viên truyền đạt thì giáo dục mới khác được. Nhiều người dám đưa con ra nước ngoài để chúng tự bơi, trong khi ở Việt Nam, chúng ta ngại, không dám cho các con tự bơi, trải nghiệm", ông Bình nói thêm.

Tác giả: Bích Phương

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok