Trước nội dung này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước khi nói đến câu chuyện lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nên giao cho bộ nào quản lí thì hãy nhìn về Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, nhất quyết phải sửa lại lỗi trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, lỗi này đã dẫn tới hậu quả mà Hiệp hội đã có văn bản gửi cấp trên.
TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung
Những sai lầm trong Luật Giáo dục nghề nghiệp theo TS. Lê Viết Khuyến sẽ tạo ra cơ cấu nhân lực méo mó, do đó sẽ không thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Luật cũng đã đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong tinh thần của Nghị quyết 29 có nêu phải xây dựng một nền giáo dục mở, trong khi đó Luật giáo dục nghề nghiệp đang tạo ra một mảng khép kín – theo ý kiến của TS. Khuyến.
Vấn đề nữa, theo TS. Khuyến Luật Giáo dục nghề nghiệp còn trái với thông lệ chung của quốc tế nên khó hội nhập quốc tế. Lấy dẫn chứng cho điều này, ông Khuyến cho biết không đâu trên thế giới lấy tách hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại là một bậc học. Bậc cao đẳng phải thuộc về bậc giáo dục đại học.
“Điều này rất thiệt thòi cho đất nước khi chúng ta sẽ phải dùng chung lực lượng lao động khi ra nhập các cộng đồng lớn như Asean. Hay như việc công nhận tương đương về văn bằng giữa các quốc gia với nhau. Do đó tôi cho rằng cấp thiết phải sửa lại Luật Giáo dục nghề nghiệp, bởi vì luật này được thông qua rất vội vàng với tỷ lệ đồng ý thấp” TS. Lê Viết Khuyến đề nghị.
Cũng theo quan điểm của TS. Lê Viết Khuyến, nếu để tình trạng như hiện nay mà không sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp thì đất nước càng thiệt hại lớn.
Giáo dục nghề nghiệp nên đặt ở đâu?
Trao đổi thêm về câu hỏi này trước Tờ trình của Bộ GD&ĐT, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết 29 và kinh nghiệm từ thế giới thì giáo dục nghề nghiệp cũng là một lĩnh vực của giáo dục và đào tạo, do đó không lý gì tách ra để bên Bộ Lao động Thương binh Xã hội.
“Bộ Lao động có việc riêng của họ liên quan đến lao động, các chính sách xã hội, thương binh, giải quyết quyền lợi, chứ Bộ Lao động không thể làm thêm hoặc giúp cho Bộ GD&ĐT mảng giáo dục nghề nghiệp. Nếu quản lí nhà nước thì Bộ GD&ĐT phải quản lí, như thế mới đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29.
Còn nếu chia ra nhiều đơn vị quản lí khác nhau như hiện nay thì sẽ làm chồng chéo chức năng, và không tạo ra được một hệ thống giáo dục hài hòa, cân đối. Trong khi đó còn rất khó xử lí các chuyện khác như cần tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân, đây cũng là một chủ đề đã được Hiệp hội kiến nghị” TS. Khuyến nêu vấn đề.
Theo đó, trong sơ đồ phân luồng phải giảm các trường THPT và tăng các trường dạy nghề. Muốn làm nhanh nhất thì ông Khuyến cho rằng phải nhập một loạt các trường THPT vào các trung tâm dạy nghề ở các địa phương để hình thành lên các trung học nghề.
“Nếu như để hai bộ khác nhau thì không làm được và cũng không tái cấu trúc được hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, xét về quản lí nhà nước mà theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 thì chỉ đưa về một bộ, bộ đó là Bộ GD&ĐT mới đúng chức năng.
Trên thế giới cũng có một số nước giáo dục nghề nằm ở Bộ Lao động, ví như nước Úc là Bộ Giáo dục và Nhân dụng (sử dụng người). Hay như ở Thái Lan, đây là một mô hình phù hợp với nước ta, họ có ba tổng cục; tổng cục giáo dục phổ thông, tổng cục đại học, tổng cục dạy nghề và vẫn nằm trong một bộ, vẫn hài hòa giữa cơ cấu các mảng nhân lực với nhau. Chứ không phải các bộ khác nhau làm quản lí nhà nước.
Hay như ở Nhật có các lĩnh vực Giáo dục Khoa học, Công nghệ, Văn hóa và Thể dục Thể thao là một bộ. Nếu chúng ta khoanh lại tối thiểu thì cũng giống như Thái Lan” TS. Khuyến nêu giải pháp.
Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cũng nhắc lại, chưa cần biết giáo dục nghề nghiệp đặt ở bộ nào, nhưng phải sửa lại Luật Giáo dục nghề nghiệp, vì tác hại của Luật này ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn nhân lực rất lớn.
Sau đó cần phải đặt ở một bộ, bộ đó phải theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29, bộ đó là Bộ GD&ĐT. Đây là phương án tốt nhất, còn nếu không sẽ có phương án khác không khả thi là nhập Bộ GD&ĐT vào Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Tác giả bài viết: Xuân Trung