Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, 866.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia, giảm nhẹ so với năm 2016. Theo Bộ GD&ĐT, khoảng 26% thí sinh dự thi năm nay chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết ngày 31/5, ban đề thi của bộ đã bắt đầu triển khai công việc.
Giám sát chặt khâu vận chuyển đề
Năm nay, do hầu hết môn thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) nên số lượng đề thi rất lớn. Ví dụ, cụm thi Hà Nội sẽ cần tới 77.000 đề thi tự luận, 400.000 đề thi trắc nghiệm. Chính vì thế, ban đề thi phải làm việc sớm hơn để giao đề thi cho các địa phương sớm, bảo đảm các sở có thời gian in sao.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết các địa điểm in sao đề thi phải bảo đảm 3 vòng độc lập, cách ly, đáp ứng yêu cầu bảo mật, ăn, ở, in sao, phòng chống cháy nổ. Các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy các địa phương đều đã có phương án chuẩn bị rất chi tiết, cẩn thận cho công tác in sao đề thi.
Chuyển đề tới điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tấn Thạnh /Người Lao Động. |
Theo ông Trinh, Bộ GD&ĐT đã tập huấn kỹ nghiệp vụ in sao đề thi cho các đơn vị, đặc biệt là bảo mật đề thi.
Ông Trinh nhấn mạnh để các khâu in sao, vận chuyển đề thi được tuyệt đối an toàn, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc theo quy chế ở tất cả các khâu. Quá trình vận chuyển đề thi phải có sự giám sát của công an.
Địa điểm lưu trữ đề thi, bài thi phải bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, phải được bảo vệ 24/24 giờ trong ngày với sự có mặt của công an, trưởng điểm thi và lực lượng bảo vệ.
Tăng cường giám thị từ các trường ĐH
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã 3 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo. Ông Trinh cho biết các đề thi này đã giúp học sinh, giáo viên hình dung được dạng thức, mức độ của đề thi chính thức.
Cũng theo ông Trinh, đề thi chính thức có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Đề thi tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực người học, như tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; bảo đảm phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Mỗi đề thi của các môn thành phần và của các bài thi độc lập, các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi làm bài. Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản (ít nhất 60%) phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi còn lại đáp ứng mục tiêu phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ mục tiêu xét tuyển sinh vào hệ thống các trường ĐH, CĐ khá đa dạng của nước ta hiện nay.
Ông Trinh nhấn mạnh để có được kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, các trường ĐH, CĐ sẽ tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương.
Ở khâu coi thi, mỗi phòng sẽ có một giáo viên THPT của địa phương và một giảng viên ĐH, CĐ làm giám thị. Mỗi điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm phó trưởng điểm thi. Lãnh đạo trường ĐH, CĐ sư phạm tham gia làm phó trưởng ban chấm thi; cán bộ, giảng viên của các trường sẽ tham gia chấm thi.
Tác giả: Yến Anh -H.Lân
Nguồn tin: Báo Người Lao Động