Kinh tế

Giáo dân Yên Thành: Thi đua phát triển kinh tế

Thực hiện phương châm "Sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước", trong thời gian qua, bà con giáo dân ở huyện Yên Thành đã nỗ lực phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Gia đình giáo dân Phạm Công Điền xóm Tiên Khánh, giáo xứ Mỹ Khánh - xã Khánh Thành, trước đây là một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhận thấy đồng đất quê hương có sản phẩm cua, lươn, ốc đang được thị trường các tỉnh phía Bắc có nhu cầu tiêu thụ lớn, từ năm 2000, vợ chồng ông đã mạnh dạn bỏ vốn, thu mua sản phẩm đồng chiêm của bà con quanh vùng, đưa ra Hà Nội tiêu thụ.

Nhờ làm ăn có uy tín, đến nay tại nhiều tỉnh phía Bắc có nhiều cơ sở chuyên lấy hàng của ông, nhờ đó trung bình 1 tháng ông đã tiêu thụ cho bà con từ 4-5 tạ cua đồng và lươn đồng, ổn định nguồn thu trên 15-20 triệu đồng, từ đó, có điều kiện lo cho 5 người con học hành thành đạt, trở thành gia đình giáo dân tiêu biểu trong các phong trào ở giáo xứ Mỹ Khánh.

1images1337464 2016 12 30 163653
2images1337463 2016 12 30 163816
Gia đình ông Phạm Công Điền chuẩn bị đơn hàng cua đồng cho khách đưa đi Hà Nội

Còn ở xã miền núi Hùng Thành, không chỉ phát triển các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh tổng hợp, nhiều giáo dân cũng đã tận dụng lợi thế đất đai tự nhiên để phát triển kinh tế trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến các mô hình kinh tế kết hợp giữa vườn rừng và gia súc, gia cầm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong các giáo họ lên 24,6 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 16 hộ giáo dân thuộc diện hộ nghèo.
3images1337465 2016 12 30 164022
Nhiều trang trại hiệu quả đã giúp giáo dân Yên Thành xóa đói giảm nghèo

Toàn huyện Yên Thành hiện có gần 35 ngàn giáo dân sinh sống ở 11 giáo xứ, thuộc 24 xã có đạo. Phát huy truyền thống “Kính chúa yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc”, đồng bào công giáo Yên Thành đã nỗ lực vươn lên, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất chăn nuôi, tích cực thi đua phát triển kinh tế giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Điển hình ở các xã vùng bán sơn địa như: Quang Thành, Tân Thành, Tây Thành, Thịnh Thành, Sơn Thành..., bà con đã tập trung cho kinh tế vườn đồi, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, dê đàn, nuôi ong lấy mật cho thu nhập cao. Đặc biệt, ở giáo xứ Vĩnh Hòa, bà con đã phát huy nghề truyền thống chế biến nông sản để làm bún, bánh có thương hiệu; Giáo xứ Rú đất phát triển với nghề sản xuất vật liệu xây dựng; giáo xứ Bảo Nham với phát triển nông nghiệp kết hợp với ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, ngoài tạo việc làm cho nhiều lao động, nhiều hộ đã có thu nhập từ 100- 150 triệu đồng/ năm.
4images1337466 2016 12 30 164118
Nhiều gia trại vùng bán sơn địa huyện Yên Thành mang hiệu quả kinh tế cao

Ông Nguyễn Bá Cầu - Trưởng ban đoàn kết công giáo huyện Yên Thành cho biết: Thời gian tới, để khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế của bà con giáo dân huyện nhà, chúng tôi sẽ tiếp tục phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sống tốt đời đẹp đạo”, tổ chức tốt các cuộc tham quan học hỏi các mô hình kinh tế cho các vị chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng mục vụ, các cá nhân tiêu biểu để tạo sự chuyển biến về kinh tế trong bà con giáo dân…

Việc đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế của đồng bào công giáo ở huyện Yên Thành đã góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con giáo dân. Kinh tế phát triển là điều kiện thuận lợi để bà con chung tay, góp sức xây dựng thành công nông thôn mới, để quê hương ngày càng khởi sắc, giàu đẹp hơn.

Tác giả bài viết: Quỳnh Trang – Đăng Trí

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok