Giáo dục

Giảng viên ĐH Việt Nhật "bắt giò" điểm yếu của sinh viên Việt Nam

Ít tìm tòi sáng tạo, tiếng Anh kém, khả năng trình bày trước đám đông hạn chế và tính kỷ luật không cao được cho là những điểm yếu lớn của sinh viên Việt Nam.

Là một trong 4 sinh viên đầu tiên được cấp học bổng sang Nhật Bản du học ở bậc Đại học (vào năm 1993), TS. Phan Lê Bình được đào tạo trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản từ đại học cho tới tiến sĩ. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, TS. Bình làm việc nhiều năm tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam và là người đầu tiên và duy nhất mang quốc tịch Việt Nam làm việc tại trụ sở chính của JICA ở Nhật Bản.

Với tư cách là giảng viên được phía Nhật Bản phái cử sang giảng dạy tại Trường ĐH Việt Nhật (VJU), TS Phan Lê Bình chia sẻ với VietNamNet cách nhìn của ông về những điều mà sinh viên Việt Nam cần phải học hỏi từ người Nhật cũng như sinh viên Nhật Bản từ những trải nghiệm của cá nhân ông.

TS. Phan Lê Bình – Chuyên gia JICA, Giảng viên chương trình đào tạo Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng


- Xin ông cho biết lý do ông lựa chọn hợp tác và giảng dạy tại Trường ĐH Việt Nhật (VJU)? Đây có phải là sự chuyển hướng công việc của ông?

Tôi là lứa du học sinh đầu tiên học ĐH tại Nhật Bản. Năm đó có 4 sinh viên đã học qua năm thứ nhất đại học tại Việt Nam và được cấp học bổng đi Nhật Bản, trong đó có 2 sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và 2 sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP. HCM.

Với bản thân tôi, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, bởi tôi đã có cơ hội được học tập, rèn luyện trong môi trường đào tạo tiên tiến, đặc biệt được tiếp thu những giá trị văn hóa, tinh thần, tính kỷ luật và lối tư duy khoa học của người Nhật.

Chính vì điều đó, tôi luôn có nguyện vọng ngoài cống hiến cho đất nước mình thì có thể là cầu nối giữa quan hệ hai nước. Bản thân tôi trước đây trong thời gian dài làm ở Văn phòng JICA Việt Nam cũng đã có những đóng góp tương đối cho sự kết nối 2 nước.

Bốn năm gần đây, tôi chuyển sang làm cho trụ sở JICA tại Nhật Bản. Trong thời gian đó tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quốc tế. Vào thời điểm tôi sắp chuyển vị trí công tác thì Trường ĐH Việt Nhật có hoạt động triển khai đào tạo. Tôi đã đề đạt mong muốn và được tham gia vào dự án này.

Đây là dự án có được sự quan tâm rất cao của cả 2 chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Tôi hi vọng trong thời gian công tác tại Trường ĐH Việt Nhật, tôi sẽ được truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức của mình cho lớp sinh viên kế cận tại Việt Nam.

- Từ trải nghiệm cá nhân, ông cho rằng, mô hình đào tạo của VJU và các trường ĐH Nhật Bản có gì khác biệt so với các trường ĐH của Việt Nam hiện nay?

Qua kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc xã hội tôi cảm thấy cách đào tạo bậc ĐH ở Việt Nam phần lớn là chú trọng đào tạo chuyên môn, chuyên sâu. Điều đó xuất phát từ yêu cầu của Việt Nam là học đại học xong ra trường phải làm được việc ngay. Chẳng hạn, một sinh viên tốt nghiệp ĐH vào một công ty thì phải thiết kế được ngay cái bàn, hay cây cầu.

Ở Nhật Bản thì việc đào tạo như vậy được thực hiện tại hệ cao đẳng. Những người học hệ cao đẳng ở Nhật Bản ra trường là đã có tay nghề và làm được việc ngay. Còn ở trường ĐH họ quan tâm nhiều hơn đào tạo cho sinh viên tầm nhìn đa dạng và phương pháp luận vững vàng. Trong vòng 2-3 năm đầu sau khi tốt nghiệp ĐH, họ sẽ được học theo những người trong nội bộ công ty để có thêm kiến thức và kỹ năng.

Điều này cũng xuất phát từ yêu cầu của xã hội Nhật Bản. Các doanh nghiệp của Nhật khi nhận sinh viên vào làm ít khi họ hỏi là anh chị học ngành nào. Bản thân tôi tốt nghiệp ngành xây dựng, nhưng lớp ĐH của tôi ở ĐH Tokyo chỉ có phân nửa làm xây dựng, giao thông, phân nửa còn lại nghề rất đa dạng, có người làm quảng cáo, có người làm bất động sản.

Với sự ảnh hưởng của chương trình đào tạo của các ĐH Nhật Bản, Trường ĐH Việt Nhật sẽ nghiêng một phần theo hướng đào tạo của Nhật Bản nhưng không 100% theo kiểu Nhật vì một trong những mục tiêu là đào tạo nhân lực phục vụ cho Việt Nam. Việc trang bị cho học viên có kỹ năng chuyên môn có thể làm việc tốt ngay từ bước đầu cũng là yêu cầu không thể thiếu nhưng đồng thời học viên cũng được trang bị kiến thức rộng hơn.

-Vậy sinh viên Nhật Bản có điều gì khác so với sinh viện Việt Nam?

Ở Nhật Bản, tôi thấy người ta đòi hỏi sinh viên phải tìm hiểu và giải quyết vấn đề quyết liệt hơn. Chẳng hạn ngay từ đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. Theo như tôi cảm nhận, ở một số trường ĐH của Việt Nam, khóa luận chỉ giống như một bài tập lớn hoặc hơn một chút.

Còn ở Nhật Bản, đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên cũng phải tìm ra được cái gì mới mà người khác chưa tìm được. Hầu hết sinh viên ở Nhật Bản sẽ không ngồi chờ giáo viên giao đề tài mà tự tìm tòi. Khi tìm ra đề tài rồi thì giải quyết như thế nào cũng là do sinh viên tự tìm hiểu, giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Qua việc làm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên sẽ được tôi luyện nhiều hơn. Nhiều sinh viên các đại học Nhật Bản vẫn có công bố quốc tế. Điều đó khác với đào tạo của Việt Nam.

Một điểm yếu của sinh viên Việt Nam là trình độ tiếng Anh khá kém so với mặt bằng các nước xung quanh. Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của sinh viên Việt Nam cũng như các trường ĐH trên đấu trường quốc tế.

Ngoài ra, sinh viên Việt Nam cũng có hạn chế trong khả năng trình bày trước công chúng. Ở Nhật Bản, sinh viên có nhiều cơ hội để luyện tập kỹ năng này. Đặc biệt là bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ở trường tôi học, mỗi sinh viên chỉ có 7 phút để trình bày báo cáo của mình. Để gói gọn báo cáo khóa luận trong thời gian nghiêm ngặt 7 phút là một quá trình luyện tập, mài dũa rất công phu. Nhờ vậy, khả năng trình diễn trước công chúng của sinh viên Nhật tốt hơn.

Một điểm nữa, tôi cho rằng, kỷ luật của sinh viên Việt Nam có vẻ khá kém. Chẳng hạn như chuyện thời hạn nộp bài. Ở Nhật Bản, sinh viên không được phép nộp khóa luận hay luận văn muộn và đây là quy định rất nghiêm khắc mà tất cả sinh viên đều phải tuân thủ và không có ngoại lệ. Điều này cũng là để đảm bảo sự công bằng đối với những người khác.

- Vậy theo ông VJU sẽ khắc phục như thế nào những hạn chế của sinh viên Việt Nam?

VJU đã và đang triển khai xây dựng một môi trường đào tạo khá toàn diện. Trước tiên về chương trình đào tạo tại VJU được xây dựng và triển khai có sự tham khảo và tham gia sâu của các đại học đối tác phía Nhật Bản. Triết lý giáo dục tại VJU là triết lý giáo dục khai phóng tức là ngoài việc đào tạo kiến thức nền tảng mang tính cốt lõi, học viên sẽ được khuyến khích tinh thần tự học, tính sáng tạo, lối tư duy mở và liên ngành. Học viên cũng sẽ được rèn luyện các kỹ năng đặc biệt là kỹ năng hội nhập với môi trường làm việc quốc tế.

Tôi tin rằng lứa học viên tốt nghiệp từ VJU sẽ có đủ sự tự tin về kiến thức, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, có tầm nhìn rộng và đặc biệt là khả năng ứng biến mềm dẻo thích ứng với bất cứ môi trường làm việc nào dù tại Việt Nam hay quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 09/09/2016, Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ tổ chức lễ khai trường và khai giảng các chương trình đào tạo của Nhà trường.

Buổi lễ dự kiến sẽ có sự tham dự của hơn 400 khách mời.

Trường Đại học Việt Nhật - trường đại học thành viên thứ 7 thuộc ĐHQGHN, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 21/7/2014. Trường với mục tiêu sớm trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần gia tăng giá trị đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Năm 2016, Trường mở 6 chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên thuộc các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành là Công nghệ Nano, Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật Hạ tầng, Khu vực học, Chính sách Công và Quản trị Kinh doanh.

Trong những năm tới, Trường xem xét tiếp tục mở các chương trình đào tạo mà Nhật Bản có thế mạnh và theo nhu cầu thực tiễn, trong đó các chương trình đang được nghiên cứu nhu cầu thực tiễn gồm: Biến đổi Khí hậu và Phát triển; Khoa học Thủy sản; và Khoa học Chính trị và Lãnh đạo. Các chương trình đào tạo tại Trường đều có triết lý xuyên suốt là phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok