“Chuẩn bị mùa viết bài tốt nghiệp, chữa nháp cho một bạn mà rùng mình:
1. Bạn viết “Sản lượng xuất nhập khẩu của hàng không”, mình hỏi bạn có biết “sản lượng” là gì không? Bạn bảo đại khái là tổng số, trong khi “sản lượng” nghĩa là “khối lượng sản xuất”.
Hỏi tiếp “thế ngành hàng không có xuất nhập khẩu không"? Bạn bảo viết thế có nghĩa là “hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không”. Suy diễn kiểu thế thì hại não người chấm quá!
2. Tiêu đề bài là “Tình hình kinh doanh vận tải của cty X”, còn nội dung toàn bài là ngành hàng không vận chuyển được bao nhiêu tấn hàng trong năm. Mình hỏi là em kinh doanh sẽ quan tâm đến bán được bao nhiêu cái hay bán 1 cái vỏ iPhone cũng như bán 1 chiếc iPhone, tổng cộng 2 cái là được? Em nhìn mình bất lực và bảo: “Đây là số liệu công ty cho em, thế có vấn đề gì ạ?”. Theo bạn mình nên trả lời thế nào?
3. Bạn này chuẩn bị tốt nghiệp ngành Kinh tế Đối ngoại, mà khi mình hỏi ký hiệu quốc tế của “tấn” là gì, bạn suy nghĩ một hồi rồi mếu máo: “Để tối về em xem lại”!
4. Bài in xiên xẹo, căn chỉnh lề sai hết cả. Mình hỏi thì bạn bảo: “Tại cái máy in nó thế chứ ở nhà em đã căn đúng rồi!”. Vậy mình nên chấm cái máy in hay chấm bạn đây?”.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, đây không phải là trường hợp duy nhất mà tình trạng này diễn ra một cách liên tục trong các bài luận văn mà sinh viên thu hoạch.
Bà Ánh cũng cho rằng, thực tế tình hình sinh viên học hết bậc đại học mà kiến thức không hơn vừa tốt nghiệp phổ thông giờ ngày càng nhiều.
“Lý do chủ yếu là giáo dục phổ thông đã làm các em hoàn toàn mất thói quen học chủ động mà chỉ học do sức ép. Vào đại học không ai ép, lớp đông nên giảng viên khó có thể sâu sát, không chữa được hết cho từng người. Một phần vì các lớp không có trợ giảng. Bố mẹ lại làm con có tư tưởng, mục đích học phổ thông là để vào được đại học, còn vào rồi kiểu gì cũng ra được nên đa phần sinh viên ngày càng lười biếng. Và kết cục là sản phẩm giáo dục của Việt Nam ngày càng không giống ai. Doanh nghiệp phải đào tạo lại đổ lỗi cho nhà trường, nhà trường lại bổ đầu giáo viên. Nhưng học thế này, không thất nghiệp mới lạ”, bà Ánh chia sẻ.
Qua nhiều kỳ hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, bà Ánh nhận ra một điểm chung là kỹ năng đọc của sinh viên Việt thực sự còn rất kém.
“Nhà trường có một văn bản dài chừng 2 mặt giấy hướng dẫn cách trình bày và trích dẫn trong khóa luận tốt nghiệp. Bản thân mình cũng có một buổi hướng dẫn nữa. Và em nào cũng ghi chú lại đầy đủ nhưng khi nộp bài thì... không ai làm theo cả. Phải nhắc đến lần thứ 3, thậm chí bắt in ra mang theo nhưng khi nộp bài đâu vẫn đóng đấy. Khi được hỏi thì nhận được câu trả lời là tại nhà in”.
Năm nào hướng dẫn sinh viên, giảng viên này cũng dành 1 buổi để hướng dẫn cách chọn đề tài, làm đề cương, chọn tài liệu tham khảo, trích dẫn… nhưng lần nào bà cũng choáng váng vì dù chọn nhưng rốt cục không em nào chịu nghe cô nói.
Để chất lượng của những luận văn tốt nghiệp được tốt hơn, lớn hơn là chất lượng sinh viên ra trường, bà Ánh cho rằng, các giảng viên cũng cần đưa ra các tiêu chí cụ thể cho các đề tài.
Bà Ánh ví dụ: “Nó cũng giống như việc tìm kiếm người yêu vậy. Đầu tiên các đề tài đó các em phải yêu thích chứ không phải chạy theo đám đông. Thứ hai, phải vừa tầm với bản thân để có thể tiếp cận được, tức là các em phải có cơ hội tiếp xúc trực tiếp, có thể tìm được tài liệu. Tôi không chấp nhận kiểu sinh viên viết về Starbucks mà chưa từng đến uống bao giờ. Và điều quan trọng luôn phải ghi nhớ là phải đúng chuyên ngành và đáng để theo đuổi chứ đừng lặp lại những kiểu đề tài xưa cũ hay do Google giới thiệu”.
Tác giả bài viết: Thanh Hùng
Nguồn tin: