“Nếu không được tôn trọng, cát - sê có 20 tỷ đồng tôi cũng không diễn”
Xoay quanh việc lựa chọn sân khấu biểu diễn của nghệ sĩ có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có nghệ sĩ dù được trả cát- sê cao cũng không bao giờ biểu diễn nơi đám cưới. Có nghệ sĩ thì biểu diễn bất cứ địa điểm nào, miễn là được khán giả đón nhận. Với cá nhân anh thì sao?
Với tôi, đi hát đám cưới hay hội nghị, mừng thọ không có vấn đề gì, miễn là mình được đón nhận và cảm thấy được tôn trọng. Tất nhiên, không phải có lời mời đám cưới nào tôi cũng nhận. Tôi có những lựa chọn của riêng mình.
Diễn viên Giang Còi là một trong số những nghệ sĩ hài được công chúng yêu mến bởi vẻ chân chất, thật thà và lối diễn “nông dân”, hóm hỉnh. |
Sự lựa chọn của anh như thế nào?
Biểu diễn ở đám cưới cũng rất thoải mái, có nơi trang hoàng sân khấu còn đẹp hơn cả nhà văn hóa huyện. Tuy nhiên, có nơi chật hẹp, bàn ghế kê chật cứng, không có chỗ ngồi, dưới đất đầy rác…. Với những nơi sân khấu tạm bợ, không tôn trọng nghệ sĩ thì có trả cát - sê 20 tỷ đồng, tôi cũng không diễn. Tôi tôn trọng nghề, không phải vì tiền mà diễn bất chấp tất cả.
Tôi cũng đã đi biểu diễn đám cưới vài lần, thường biểu diễn ở khách sạn. Có nhiều đám cưới chi vài tỷ cho việc mời nghệ sĩ bay, ăn ở và biểu diễn. Tôi biết có ca sĩ được trả 200-300 triệu cát- sê hát đám cưới là chuyện bình thường.
Vậy có khi nào, anh rơi vào trường hợp “tiến thoái lưỡng nan” khi nhận lời biểu diễn đám cưới nhưng đến nơi biểu diễn không như kỳ vọng không?
Tôi không để chuyện đó xảy đến với mình. Những bầu show mời thường đã quen biết và hiểu tính mình. Khi đám cưới mời mình biểu diễn, tôi yêu cầu gặp mặt trực tiếp gia chủ. Họ phải cho xem hình ảnh đám cưới thế nào, cam kết những gì…, rồi tôi mới quyết định nhận lời hay không.
Gần đây, tôi cũng biểu diễn tại lễ mừng thọ, kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà ở Thanh hóa. Họ trân trọng mình lắm. Cặp vợ chồng già quý mình, mong muốn được gặp, xem mình biểu diễn nên con cái chiều ông bà mời nghệ sĩ về biểu diễn. Đón nhận tình cảm trân trọng, quý hóa từ họ, tôi cũng lên sân khấu gửi lời chúc tốt đẹp tới ông bà. Vì quý mến, ngoài cát- sê, con trai của ông bà còn tặng thêm khiến tôi từ chối cũng không được…
Giang Còi chia sẻ, nhiều nghệ sĩ vẫn còn sợ hãi khi nhớ lại đêm biểu diễn kinh hoàng ở Bưởi, Hà Nội. |
“Tôi, Vân Dung, Quang Tèo…vẫn sợ hãi khi nhớ lại đêm biểu diễn kinh hoàng”
Là một trong những diễn viên hài chăm chỉ đi diễn, thường xuyên lưu diễn ở các tỉnh thành; anh có thể chia sẻ những tình cảm đón nhận mà khán giả dành cho các nghệ sĩ?
Tôi còn nhớ lần tham gia vở diễn “Người trong bóng tối” tại Quảng Ngãi vào năm 1988. Khi đó tôi vào vai anh bộ đội bị thương mù cả hai mắt. Tuy không nhìn thấy nhưng “Sơn mù” lại rõ ràng mọi chuyện hơn cả những người mắt sáng nhưng lại bị cái xấu, sự sợ hãi, ích kỷ… che mờ đôi mắt. Diễn xuất xuất thần đến gần 10 phút ở phần cuối vở diễn, tôi đã khiến nhiều khán giả xúc động.
Sáng hôm sau, trong khi cùng một số anh em chở các nữ nghệ sĩ trong đoàn đi chợ về nấu cơm thì gặp bà cụ khoảng 60 tuổi, hai tay cầm hai cân giò. Được biết bà cụ ngồi bán giò chả ở chợ. Bà cụ nằng nặc đòi gặp anh “Sơn mù” và cho 2 cân giò vì thương anh quá!
Hay trước năm 2010, tôi có đi biểu diễn sân khấu ngoài trời trên Tuyên Quang. Khi ban tổ chức mở cửa bán vé được một lúc thì trời đổ mưa như trút. Đã có khoảng 500 khán giả mua vé và đã vào sân mà mưa gần tiếng đồng hồ, ngập cả sân, có chỗ nước cao đến băp chân. Giờ đã xé vé, trả lại tiền cho bà con cũng khó mà để tối hôm sau diễn bù thì cũng không kiểm soát được lượng người đã mua và chưa mua vé.
Tính toán thế nào cũng đau đầu, cuối cùng tôi cầm micaro nói to: “Thưa bà con, bà con có nghe thấy không? Giờ bà con quyết định diễn hay không diễn? Bà con nói: “diễn”.” Với sự quyết tâm của bà con, biết bao người vượt đường xá xa xôi đến xem thế là các nghệ sĩ quyết định diễn dưới trời mưa.
Trên sân khấu, các nghệ sĩ dầm mưa diễn trong 2 tiếng đồng hồ. Dưới sân khấu, khán giả chỗ mặc áo mưa, chỗ cầm ô dù hào hứng cổ vũ. Mưa to, chập cả điện, muốn tắt đèn cũng không tắt được. Nghệ sĩ ai cũng ướt sũng nhưng trong lòng đầy nhiệt huyết phục vụ khán giả…
Bên cạnh những kỷ niệm vui, có kỷ niệm “đau thương” không tránh khỏi trong quá trình đi biểu diễn mà anh không thể quên?
Có chứ, giờ mỗi lần tôi, Quang Tèo, Vân Dung và nhiều nghệ sĩ kể lại đêm biểu diễn hội làng ở Bưởi, Hà Nội thì ai cũng nhớ lại cảm giác sợ hãi. Chương trình quy tụ rất nhiều diễn viên hài, có cả sự tham gia của đoàn Nhà hát kịch TW… và khán giả đến xem rất đông.
Vì tham tiền, ban tổ chức bất chấp việc kín chỗ ngồi, chỗ đứng, vẫn tiếp tục bán vé cho khán giả vào sân gây lên cảnh nhốn nháo, xô đẩy. Vì không gian chật chội, bà con trèo hết cả lên mái đình, lên cây để xem nghệ sĩ biểu diễn.
Khi chúng tôi đang diễn thì mái đình sập xuống, mất điện, khán giả bị kích động tràn lên cả sân khấu. Trong lúc nhốn nháo, một số thanh niên xấu lợi dụng sàm sỡ các nghệ sĩ nữ, nhóm nhảy. Lúc đó khung cảnh rất lộn xộn, mấy bác bảo vệ không chuyên cũng chẳng thấy mặt đâu. Trong lúc nguy cấp, tôi phải dúi mấy nghệ sĩ xuống gầm sân khấu. Ngồi dưới gầm sân khấu mà tôi, Quang Tèo, Vân Dung… chỉ lo sân khấu sập xuống thì chết hết.
May sau đó có nhóm bạn của nghệ sĩ trong đoàn đi vào “hộ tống” từng người đưa ra xe. Vân Dung được đưa ra trước, rồi lần lượt các nghệ sĩ khác. Hôm sau, mọi người gặp lại kể chuyện mà mắt vẫn chữ O miệng chữ A vì quá khiếp sợ.
"Tôi chứng kiến không nhỏ bộ phận nghệ sĩ chỉ bán tên tuổi để kiếm tiền, mải chạy show nên diễn hời hợt, nhợt nhạt, không cảm xúc, không chung nhịp đập với khán giả." |
“Chính một số nghệ sĩ đã quay lưng với…. khán giả”
Là một nghệ sĩ biểu diễn, anh nghĩ sao về việc khán giả không còn mặn mà với sân khấu như xưa?
Cá nhân tôi cho rằng tình cảm khán giả dành cho mình quá nhiều. Mình còn nợ khán giả. Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng “khán giả đang quay lưng lại với sân khấu” mà chính là “nghệ sĩ đang quay lưng lại với khán giả”.
Là người trong nghề, tôi chứng kiến không nhỏ bộ phận nghệ sĩ chỉ bán tên tuổi để kiếm tiền, mải chạy show nên diễn hời hợt, nhợt nhạt, không cảm xúc, không chung nhịp đập với khán giả. Bản thân nghệ sĩ đối với nghề như thế thì làm sao khán giả có thể yêu, cảm nhận được?
Từ trên sân khấu nhìn xuống là ngược sáng, nghệ sĩ chỉ nhìn thấy những gương mặt không rõ. Nhưng từ khán giả nhìn lên là xuôi ánh đèn, từ cử chỉ, ánh mắt, nụ cười có thật lòng, có nhiệt huyết hay không đều được khán giả thu trọn vẹn vào tầm mắt. Chỉ cần anh giả dối, xuất hiện hời hợt là khán giả biết ngay, khi bị khán giả hô hào “xuống đi” thì đến lúc cũng nên bỏ nghề.
Dư luận, báo chí cũng đề cập nhiều đến những chương trình được ghi “nhạc hội”, “đại nhạc hội” với sự góp mặt của “bầu trời sao” nhưng thực tế chương trình lại “treo đầu dê bán thịt chó”, không chất lượng như quảng cáo khiến khán giả bức xúc. Cảm giác của anh khi diễn trong những chương trình đó?
Hiện tại có một bộ phận không nhỏ các bầu show dễ dãi, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, làm sau bán được vé. Một chương trình hội tụ nhiều gương mặt nổi tiếng bao giờ cũng hấp dẫn khán giả. Nhưng thực tế, mấy chục nghệ sĩ chỉ xuất hiện “chuồn chuồn đạp nước” trong chương trình kéo dài 2- 3 tiếng đồng hồ. Nếu để họ diễn thực sự thì phải đến… 9 giờ sáng hôm sau mới hết. Chính vì sự tham lam của bầu show, nghệ sĩ cũng biểu diễn nháo nhào, bán tên tuổi… Vài ba chương trình như thế, hỏi sao khán giả không mất lòng tin?
Xin cảm ơn anh!
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: Báo Dân trí