Quản lý thọ trường Thanh Hóa tăng cường kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết. |
Lắm chiêu trò
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trở nên sôi động. Tại TP Thanh Hóa, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán đã được các cửa hàng tập kết và bày bán, trong đó đặc biệt là các mặt hàng về thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống có ga, đồ khô; các mặt hàng về thời trang như giày dép, quần áo … Tuy nhiên, về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng nói trên đem lại nhiều lo lắng cho người tiêu dùng và là bài toán nan giải đối với các lực lược chức năng.
Chị Lê Thị Tuyết – Trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa cho biết: Do tình hình kinh tế khá phát triển trong những năm qua nên giá thành của các sản phẩm không phải là vấn đề chính. Điều mà người tiêu dùng lo lắng nhất vẫn là nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Nhìn thì nhãn hàng nào cũng bắt mắt nên chúng tôi cũng không thể biết chắc đâu là hàng chất lượng, đâu là kém chất lượng – chị Tuyết chia sẻ.
Tại thị trường nội địa, tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm chủ yếu thẩm lậu vào địa bàn. Hàng nhập lậu phần lớn là hàng tiêu dùng như đồ chơi trẻ em, điện thoại, linh kiện điện thoại di động, đồ điện tử, điện lạnh, điện dân dụng; rượu ngoại, sản phẩm động vật, củ quả... Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe tắc xi, xe bưu chính; hợp pháp hóa hàng nhập lậu bằng hóa đơn, quay vòng hóa đơn.
Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường tập trung vào các mặt hàng như mỹ phẩm, thiết bị điện tử, phân bón, mỳ chính, máy tính, phụ tùng xe máy... Những mặt hàng này được sản xuất trong nước hoặc làm giả từ nước ngoài vận chuyển trái phép vào Việt Nam để tiêu thụ.
Các đối tượng vi phạm tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu thành phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và bao bì giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng… Các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Chỉ trong vòng gần 2 tháng tăng cường kiểm tra, xử lý, Ban Chỉ đạo 389 Thanh Hóa đã xử lý 615 vụ; tổng số thu 1.557 triệu đồng. Trong đó tiền thu phạt vi phạm hành chính là 1.450 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy 107 triệu đồng; trị giá hàng chờ bán, chờ tiêu hủy 23 triệu đồng.
Khó kiểm soát
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Hoạt động gian lận thương mại ngày càng tinh vi và phức tạp nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Vì lợi nhuận, họ có thể bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Mặc dù ngành đã và đang rất nỗ lực nhưng để kiểm soát hết tình hình hoạt động gian lận thương mại vẫn là bài toán khá nan giải với các cơ quan chức năng.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, để bảo đảm ổn định thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất, kinh doanh phát triển trong dịp Tết Nguyên đán, Chi cục, đặc biệt là Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, thực hiện cam kết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Song song với đó là việc tăng cường kiểm tra, xử lý, đấu tranh ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, chú trọng kiểm tra các mặt hàng như thuốc nổ, kíp mìn, pháo các loại, đèn trời, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực... Đặc biệt chú trọng kiểm tra thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả, đảm bảo cung ứng hàng hóa, phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, hợp lý giá cả. Mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; không để tình trạng: Thiếu hàng, biến động lớn về giá, tích trữ, găm hàng trong dịp Tết.
Tác giả: Nguyễn Chung
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết