Trong nước

Giám sát tài sản 1.000 cán bộ cấp cao: Giảm kê khai không trung thực

Cục trưởng cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt kỳ vọng, quy định về kiểm tra giám sát thu nhập khoảng 1.000 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ giảm tối đa cán bộ kê khai không trung thực.

Việc ban hành quy định kiểm tra, giám sát tài sản, thu nhập của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đang nhận được sự ủng hộ và kỳ vọng của dư luận.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt nêu ý kiến: "Lâu nay, cán bộ trong diện được quy định vẫn kê khai tài sản. Việc giám sát, kiểm tra kê khai tài sản là bước tiến, cũng là quy trình mà nếu làm chặt chẽ, hiệu quả sẽ rất tốt.

Suy cho cùng, những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều là người có chức vụ cấp cao. Ở những vị trí như thế, điều kiện tham nhũng nhiều hơn so với các đối tượng khác. Tôi hy vọng, quy trình này sẽ được làm một cách chi tiết, cụ thể".

Cũng theo ông Đạt, với số lượng lớn cán bộ cấp cao chịu ảnh hưởng của quy định, cần phân cấp rõ ràng. Lâu nay, việc giám sát kê khai tài sản của cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế bởi chưa có những quy định cụ thể với đối tượng thuộc Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Thêm nữa, cơ chế và mô hình tổ chức thực hiện còn thiếu, không tập trung, bị phân tán. Do đó, quy định này chắc chắn sẽ mang đến những kết quả tích cực.

"Nhưng cá nhân tôi cho rằng, cần xây dựng mô hình cụ thể, còn quy định này mới chỉ là bước ban đầu", vị Cục trưởng nhấn mạnh.

Ông Đạt nói thêm: "Việc kê khai tài sản lâu nay chúng ta thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác của cán bộ, đảng viên. Do đó, quy định xác minh rõ việc kê khai tài sản sẽ giảm tối đa hiện tượng cán bộ kê khai không trung thực. Thêm nữa, luật Phòng chống tham nhũng đang được góp ý sửa đổi. Chắc chắn sẽ có nhiều nội dung phải sửa để kiểm soát tốt hơn vấn đề này".

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc kiểm tra, giám sát tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao, nếu muốn làm “ra tấm ra món” để nhân dân tin tưởng thì trước tiên phải chọn được một đội ngũ tham mưu, thực hiện đủ mạnh, đồng thời phải tạo ra không khí dân chủ, thẳng thắn, không để tình trạng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám phản đối.

Còn theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội việc này, cần phải hiểu rằng, 1.000 cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa vào diện giám sát đầu tiên để làm gương. Còn lại, các địa phương, bộ ngành tiếp tục rà soát cán bộ trong phạm vi của mình. Đây là một trong những quyết định rất có ý nghĩa, tạo niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với Đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: Dương Thu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok