Kinh tế

Giảm giống gieo sạ còn 80kg/ha

Mô hình giảm lượng giống lúa gieo sạ (80kg/ha), thuộc dự án: “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung bộ”.

Nông dân tham quan mô hình giảm giống

Mục tiêu chung của dự án là giảm được chi phí sản xuất 15% trên cơ sở giảm giống, phân bón, thuốc BVTV và các chi phí khác nhưng vẫn đảm bảo năng suất không thấp hơn so với ngoài mô hình. Để đạt được mục tiêu này cần áp dụng gói kỹ thuật thâm canh đồng bộ trên nền tảng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười cùng kết hợp với địa phương chọn điểm, trong vùng đa số nông dân còn tập quán sạ lúa với lượng giống gieo còn cao từ 150 - 180kg/ha. Ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), thực hiện 30ha với 16 hộ tham gia. Tỉnh Long An mô hình được thực hiện ở ấp 2, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, diện tích 30ha với 16 hộ tham gia.

Quyền lợi của hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, 30% lượng phân bón, tiền thuốc BVTV là 270.000 đồng và được cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật. Qua 2 vụ triển khai (TĐ 2016 và ĐX 2016 - 2017) mô hình đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình xã Mỹ Hòa vụ TĐ 2016: Giống lúa sử dụng là Jasmine 85. Năng suất lúa của mô hình trung bình đạt 6,3 tấn/ha, ngoài đạt 6 tấn/ha. Như vậy mô hình cao hơn ngoài mô hình là 0,3 tấn/ha. Chi phí sản xuất mô hình giảm so với trung bình ngoài mô hình là 2.880.000 đồng (tương ứng 15,53%). Trong đó, chi phí giống giảm 1.050.000 đồng, phân bón 730.000 đồng, thuốc BVTV 600.000 đồng và công lao động 500.000 đồng. Hiệu quả kinh tế: Lợi nhuận trung bình của mô hình là 15.200.000 đ/ha, ngoài mô hình đạt 11.450.000 đồng. Như vậy, mô hình tăng hơn ngoài mô hình là 3.750.000 đ/ha (đạt 32,75%).

Trong vụ ĐX 2016 - 2017: Giống lúa sử dụng là Jasmine 85. Năng suất lúa của mô hình trung bình đạt 6,4 tấn/ha; ngoài mô hình là 6,3 tấn/ha. Như vậy, năng suất lúa của mô hình cao hơn ngoài mô hình là 0,1 tấn/ha. Chi phí sản xuất mô hình giảm so với trung bình ngoài mô hình là 2.736.000 đồng (tương ứng 15%). Trong đó, chi phí giống giảm 980.000 đồng, phân bón 330.000 đồng, thuốc BVTV 800.000 đồng và công lao động 626.000 đồng. Lợi nhuận trung bình của mô hình là 17.728.000 đ/ha, ngoài mô hình đạt 14.472.000 đồng. Như vậy, mô hình tăng hơn ngoài mô hình là 3.256.000 đ/ha (đạt 22,5%).

Nhìn chung, vụ TĐ 2016 thời gian lúa trổ bị mưa bão liên tục nên lúa bị lép, hạt đen. Vì vậy, năng suất lúa của 2 mô hình không cao nhưng năng suất lúa ở mô hình Mỹ Hòa cao hơn năng suất trung bình của huyện. Vụ ĐX 2016 - 2017 thời gian xuống giống bị mưa liên tục, vì vậy lúa bị ốc ăn và giai đoạn đầu phát triển chậm hơn, giai đoạn lúa trổ bị mưa. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến năng suất. Mặc dù năng suất vụ ĐX 2016 - 2017 không vượt trội so với năng suất lúa vụ ĐX 2015 - 2016 nhưng xét cùng thời điểm, thì năng suất lúa của mô hình cao hơn lúa ở ngoài mô hình.

Trong các cuộc hội thảo đầu bờ, các ý kiến của đại biểu và nông dân cùng đánh giá là sạ 80kg/ha cây lúa khỏe, dảnh lúa to, bông lúa dài, hạt to, ruộng ít bị sâu bệnh hơn. Ruộng lúa sạ 150kg, cây lúa thấp, đẻ nhánh ít, cây nhỏ, bông ngắn.



Tác giả: Trần thị Hồng Thắm

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok