Trong tỉnh

Giám đốc Trung tâm Y tế lập quỹ đen, ký khống giấy khám sức khỏe

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa bị Thanh tra Sở Y tế kết luận có nhiều vi phạm, trong đó có việc tự ý lập quỹ đen, ký khống giấy khám sức khỏe, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Ông Lê Văn Thiết, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn vừa bị giáng chức vì mắc nhiều sai phạm. Ảnh: VT

Ngày 2/2, thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, Giám đốc Sở này đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức giáng chức đối với ông Lê Văn Thiết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn vì có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế đã có kết luận các sai phạm của ông Lê Văn Thiết, cụ thể: Giám đốc Trung tâm ký khống giấy khám sức khỏe (KSK) khi chưa có kết quả khám đã vi phạm quy chế chuyên môn trong khám, chữa bệnh; đóng dấu khống giấy KSK là vi phạm quy định về sử dụng con dấu theo Nghị định 110/2004/NĐ-CP ngày 8/4/2004 của Chính phủ. Ông Lê Văn Thiết và bà Trương Thị Hương phải chịu trách nhiệm làm sai quy định này.

Ông Lê Văn Thiết đã chỉ đạo bớt lại 1 phần các khoản chi chế độ của cán bộ viên chức, thanh toán các chương trình, dự án, thu lệ phí xét tuyển vượt mức quy định… để tạo lập quỹ riêng và chi các khoản xác định là không hợp pháp, với số tiền 325.940.000 đồng. Trong đó có hoản chi cá nhân là 56.407.500 đồng (riêng giám đốc hơn 52 triệu, còn lại là phó giám đốc và 2 cá nhân khác). Giám đốc đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi vị phạm này. Kế toán trưởng và các cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm về những chứng từ thanh toán không đúng thực tế, chi trả không đầy đủ tiền cho người ký nhận. Cấp ủy và Ban Giám đốc phải chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, lãnh đạo để xảy ra sai phạm kéo dài.

Ông Lê Bá Tường, Nguyễn Duy Khánh - Khoa Kiểm soát dịch bệnh mua 100 liều vắc xin cúm bán cho trạm y tế xã và thu nộp vào qũy riêng.

Giám đốc đơn vị thống nhất cho 2 ông trên tự mua bán ngoài 100 lọ vắc xin cúm không làm thủ tục xuất, nhập kho, thu lãi nhập vào quỹ riêng, vi phạm quy định về cung ứng, quản lý vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng và quản lý nguồn thu hoạt động dịch vụ của đơn vị theo Quyết định số 2864/QĐ-UBND ngày 5/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Việc nâng lương trước thời hạn cho bà Trịnh Thị Bình sai quy định bởi năm 2013 bà Bình không được cấp nào khen thưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nâng lương.

Chủ tịch Công đoàn ký bổ sung giấy khen của Công đoàn năm 2013 cho bà Bình là chưa đúng quy định về khen thưởng.

Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, Phó phòng Hành chính tổng hợp phu trách về tổ chức, cán bộ biết rõ hồ sơ của bà Trịnh Thị Bình không đủ điều kiện để xét nhưng vẫn làm hợp thức hóa hồ sơ để ra quyết định nâng bậc lương trước thời hạn cho bà Bình. Số tiền bà Bình được hưởng từ việc nâng lương trước thời hạn sai quy định là 10.637.758 đồng.

Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn, nơi Thanh tra phát hiện ra nhiều sai phạm. Ảnh: Văn Thanh

Ngoài ra, bà Trịnh Thị Bình khám, chữa bệnh theo hợp đồng ký kết của Giám đốc đơn vị với Công ty TNHH Inkyung Vina tại Đông Vinh thu tiền không nộp về quỹ (trích nộp lại 25%) những tháng 7, 8, 9/2017. Đơn vị cử bà Bình làm việc 3 buổi/tuần tại Công ty TNHH Inkyung Vina trong giờ hành chính, được hưởng nguyên lương và toàn bộ số tiền công theo hợp đồng ký kết 6 tháng đầu ăm 2017 là chưa hợp lý, gây thắc mắc, dị nghị trong cán bộ viên chức đơn vị.

Trước đó, Báo Thanh tra có bài “Đẩy người lao động vào cảnh khốn cùng”, nội dung phản ánh thời gian gần đây, nhiều lao động tại các trạm y tế các xã thuộc huyện Đông Sơn đã được ký hợp đồng dài hạn, nhưng nhiều tháng nay không được trả lương, phụ cấp. Tất cả 18 lao động đang rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, tâm lý hoang mang, gia đình rạn nứt do nhiều tháng nay không được cấp lương.

Nhiều người sau khi vào làm việc đang phải gánh theo “khoản nợ” vay ngân hàng hoặc vay người thân chưa kịp làm để trả nợ. Cuộc sống của họ vốn đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn. “Lao động mà không lương như chúng em hiện không còn kiên nhẫn tiếp tục bám trụ làm việc. Nhiều khi nghĩ hay tìm việc khác để kiếm kế sinh nhai, nhưng bỏ một khoản tiền mới xin được chiếc cần câu cơm, giờ mà nghỉ làm chắc rơi vào cảnh khốn cùng”, một y sỹ than phiền.

Cả 18 lao động được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn này đều được sự đồng ý bằng văn bản của nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Hoàng Sỹ Bình.

Ngoài huyện Đông Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có đến hàng trăm lao động cũng được Sở Y tế đồng ý cho trung tâm y tế, bệnh viện các huyện ký HĐLĐ dài hạn và ngắn hạn.

Hiện Trung tâm y tế huyện Đông Sơn có tới 18 lao động đã được ký HĐLĐ không xác định thời hạn, làm việc tại các trạm y tế xã. Số lượng lao động này được tuyển dụng năm 2014-2015, nguyên nhân nhiều tháng nay các lao động không được cấp lương là do Sở Tài chính không cấp bổ sung kinh phí.

Tác giả: Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok