Ken Hisida, giám đốc của một hãng công nghệ chi nhánh tại Việt Nam, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, đã chụp ảnh một tài xế Grab người Việt đang ngồi trong một quán cafe và đăng tải lên trang mạng xã hội Twitter cá nhân, với nội dung đầy sự miệt thị.
“Starbucks ở Hà Nội gần đây ngày càng nhiều các tài xế Grabfood với bộ dạng bẩn thỉu lui tới”, Ken Hisida viết trên trang Twitter cá nhân. “Định nghĩa về không gian riêng tư và Starbucks hướng tới đang dần bị phá vỡ, phía cửa hàng có lẽ nên xem lại thế nào đi thì hơn”.
“Không gian thư giãn với xu hướng cao cấp đồng nhất trên toàn thế giới đang dần bị mất đi đấy”, Hisida viết thêm.
Bài viết được Ken Hisida đăng tải lên trang Twitter của mình khiến nhiều cư dân mạng Việt Nam và cả Nhật Bản phẫn nộ (Ảnh: Sugoi) |
Bài viết của Ken Hisida lập tức “gây sốt” sau khi đăng tải lên trang Twitter cá nhân và khiến nhiều cư dân mạng phẫn nộ vì lời bình luận miệt thị và xem thường công việc của người khác. Nhiều cư dân mạng đã lên tiếng chỉ trích bài viết của Ken Hisida trên trang Twitter cũng như trang Facebook cá nhân của anh này.
“Uống có lý Starbucks có vài đô mà nghĩ rằng mình đang ngồi trên đỉnh vũ trụ hay sao? Sao anh không bỏ ra thêm tiền để vào các quán cafe ở những khách sạn sang trọng để được sự riêng tư hơn?”, một cư dân mạng bình luận về bài viết của Ken Hisida.
“Ủa từ khi nào Starbucks trở thành cao cấp ở Việt Nam vậy? Anh có biết Starbucks ở Việt nam chỉ nhỉnh hơn quán cafe bình thương đôi chút không? Sinh viên Việt Nam vẫn vào uống bình thường có làm sao đâu?”, một người dùng mạng xã hội khác chia sẻ.
“Dù gì thì Grab người ta cũng chỉ vào mua đồ cho khách và đông nhất là vào giờ trưa, khi trời nắng như đổ lửa. Thế nên mình vào uống cafe luôn chủ động nhường các ghế gần quầy cho họ. Không ai cấm Grab vào quán cafe cả thì anh lấy tư cách gì mà cấm người ta?”, một người dùng bức xúc bình luận.
“Thế nào là bộ dạng bẩn thỉu? Chú Grab cũng có gia đình, con cái. Nếu người khác lấy hình cha mẹ, gia đình của anh đưa lên mạng rồi viết nội dung khinh thường như vậy, anh có chấp nhận được không?”, một cư dân mạng bức xúc chia sẻ.
Đáng chú ý không chỉ cư dân mạng tại Việt Nam lên tiếng bức xúc về bình luận của Ken Hisida, mà bài viết của Hisida cũng đã được nhiều cư dân mạng tại Nhật Bản đưa ra bình luận và không ít người đã bày tỏ thái độ phẫn nộ hoặc không hài lòng với bình luận của anh này.
“Mọi người đều bình đẳng. Bạn trả tiền và người tài xế cũng trả tiền, tại sao bạn lại xem thường ông ấy”, một cư dân mạng Nhật Bản bình luận.
“Tôi đã đến quán cafe Starbucks ở nhiều nơi, gặp nhiều khách hàng ở các tầng lớp khác nhau với kiểu trang phục khác nhau. Nếu bạn muốn sự thanh lịch, tại sao không đến những phòng trà tại các khách sạn 5 sao? Nếu không có biển cấm thì không ai có thể cấm họ vào những quán cafe được!”, một cư dân mạng Nhật Bản khác chia sẻ.
“Thật đáng tiếc cho một người đến sống ở nước khác nhưng lại xem thường người dân nước đó. Nên nhớ bạn đang sống ở quốc gia của họ thì cần phải tôn trọng luật pháp và con người của họ. Tôi thật xấu hổ về bạn”, một cư dân mạng khác của Nhật Bản bức xúc.
Hiện tại trước làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng nhằm vào mình, Ken Hisida đã phải đưa tài khoản Twitter của mình về chế độ riêng tư và ẩn toàn bộ các bài viết trên trang này.
Tuy nhiên bên cạnh nhiều ý kiến phẫn nộ nhằm vào Ken Hisida, nhiều cư dân mạng tại Việt Nam cũng đã bình tĩnh khi cho rằng “không nên vơ đũa cả nắm” khi đây chỉ là một số ít những người Nhật có thái độ không đúng mực. Nhiều cư dân mạng cũng cho biết họ không đồng tình với ý kiến của ken Hisida nhưng vẫn dành sự tôn trọng đối với văn hóa và con người Nhật Bản.
Tác giả: T.Thủy
Nguồn tin: Báo Dân trí