Trong tỉnh

Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo "nóng" xử lý xe quá tải

Trước thực trạng xe chở quá tải có diễn biến phức tạp tại tỉnh Thanh Hóa, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch chỉ đạo xử lý cao điểm kiểm soát tải trọng, kích thước thùng hàng và niêm yết tên doanh nghiệp đối với phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những tháng cuối năm 2018.

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ; Văn bản số 8475 ngày 18/7/2018 và Văn bản số 12025 ngày 01/10/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường kiểm soát tải trọng, kích thước thành thùng đối với phương tiện vận tải đường bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa triển khai Kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm soát tải trọng, kích thước thùng hàng và niêm yết tên doanh nghiệp đối với phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những tháng cuối năm 2018.

Lực lượng CSGT tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ chủ đạo trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải trong dịp cuối năm 2018.

Ngày 28/10, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra kế hoạch số 231/KH-CAT-PC08 về đợt cao điểm kiểm soát tải trọng, kích thước thùng hàng và niêm yết tên doanh nghiệp đối với phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại kế hoạch này nêu, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng của phương tiện vận tải hàng hóa, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh; gắn trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành chức năng, chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng phương tiện quá khổ, quá tải hoạt động.

Vẫn có nhiều xe quá tải ngang nhiên lưu thông trên đường Quốc lộ.

Cán bộ, chiến sỹ được giao nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc điều lệnh CAND, quy trình công tác; không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, bỏ qua vi phạm; việc xử lý các hành vi vi phạm phải đảm bảo nghiêm minh, chặt chẽ, đúng pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trọng hoạt động vận tải đường bộ. Lãnh đạo các đơn vị phải đích thân chỉ đạo, nghiêm cấm bao che, can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Hành vi vi phạm tập trung đấu tranh gồm có chở hàng quá trọng tải cho phép, chở hàng vượt quá kích thước thành thùng xe (Chiều rộng, chiều dài, chiều cao); chở hàng để rơi vãi trên đường; tự ý cơi nới thành thùng (cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước không đúng kích thước của nhà sản xuất).

Không chỉ có miền xuôi mà ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, những xe chở quá khổ cũng là nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông.

Tập trung kiểm tra tình trạng không có đăng ký xe; Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định ATKT & BVMT đã hết hạn, không đúng số khung số máy hoặc bị tẩy xóa; xe quá niên hạn sử dụng; không có, không mang giấy phép lái xe hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp; có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển. Không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, khối lượng bản thân xe, khối lượng hàng hóa chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trên cánh cửa xe ô tô tải.

Duy trì hiệu quả Tổ kiểm tra đặc biệt, tập trung kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm theo nội dung kế hoạch này trên tất cả các tuyến thuộc địa bàn tỉnh (kể cả quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, đường xã, đường đô thị).

Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải trong thời gian tới được lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa triển khai rầm rộ trên tất cả các tuyến Quốc lộ với tần suất 24/24h để hạn chế tối đa xe chở quá khổ, quá tải lộng hành.

Mỗi đội, trạm TTKS thuộc đơn vị thành lập ít nhất 01 tổ chuyên đề từ 4-5 đồng chí sử dụng cân tải trọng lưu động tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm trên tất cả các tuyến phụ trách. Riêng đối với Trạm Cảnh sát giao thông Quảng Xương, yêu cầu bố trí lực lượng làm nhiệm vụ khép kín thời gian 24/24h để kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về tải trọng, kích thước thùng hàng tại Trạm cân cố định do Bộ Công an cấp. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với Công an cấp huyện xử lý vi phạm khi có đề nghị.

Tham mưu cho Cấp ủy, UBND, Ban ATGT có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, vào cuộc cùng với lực lượng chức năng trong việc xử lý xe chở hàng quá khổ, quá tải, xe hết niên hạn sử dụng. Có cơ chế xử lý theo chức năng quản lý nhà nước, xử lý trong việc thi công công trình, khai thác mỏ, kho, bãi…của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn vi phạm. Gửi nội dung văn bản chỉ đạo về PC08 trước ngày 10/11/2018 để theo dõi.

Không chỉ có mình lực lượng CSGT mà cả lực lượng TTGT cũng là đơn vị mũi nhọn trong việc xử lý xe chở quá tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt đến CBCS đơn vị nắm vững Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Kế hoạch này của Giám đốc để nắm vững, nghiêm túc thực hiện.

Chủ động khảo sát nắm chắc tình hình hoạt động của xe tải, xe hết niên hạn sử dụng ở trên địa bàn. Đối với những đơn vị đã được trang cấp cân tải trọng xách tay phải xây dựng phương án bố trí lực lượng, sử dụng cân tải trọng xách tay xử lý nghiêm vi phạm quá tải trên địa bàn quản lý. Những đơn vị chưa có cân tải trọng xách tay chủ động điều tra, khảo sát tình trạng vi phạm tải trọng trên các tuyến phụ trách và đề xuất Giám đốc, PC08 phân công tổ công tác chuyên đề và Tổ đặc biệt đến phối hợp với CSGT Công an huyện kiểm tra, xử lý triệt để.

Khi xử lý vi phạm chở quá tải, quá niên hạn sử dụng, chủ động rà soát nguồn hàng, công trình xây dựng đang thi công (từ khu mỏ, kho bãi, bến cảng nào ra, đưa hàng hóa đến thi công tại công trình nào), đề xuất Ban ATGT địa phương có thông báo đến Sở Tài nguyên môi trường, các cơ quan hữu quan phối hợp xử lý việc ngừng cấp phép khai thác, thi công xây dựng.

Nhiều tuyến đường Quốc lộ ở tỉnh Thanh Hóa bị hư hỏng một cách trầm trọng khiến việc lưu thông của các phương tiện là hết sức khó khăn.

Chỉ đạo huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp tham gia công tác kiểm soát tải trọng, xử lý xe hết niên hạn sử dụng trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 27 của Chính phủ và Thông tư số 47 của Bộ Công an.

Trước ngày 10/11/2018 phải hoàn thành việc tổ chức cho các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải ben và chủ mỏ, bến, bãi đóng trên địa bàn ký cam kết không vi phạm chở hàng quá tải trọng và đưa xe quá niên hạn sử dụng vào hoạt động (có các mẫu kèm theo Kế hoạch này), báo cáo kết quả về PC08 kèm theo sao gửi các mẫu cam kết đó trước ngày 15/11/2018 để tập hợp, báo cáo Giám đốc.

Không chỉ có Quốc lộ bị xuống cấp mà cả những tuyến đê cũng bị xe quá tải tàn phá khi chỉ mới được đầu tư nâng cấp cách đây không lâu.

Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp huyện phụ trách công tác bảo đảm ATGT và chỉ huy đội CSGT chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra lực lượng CSGT triển khai thực hiện kế hoạch và sau ngày 31/12/2018, phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc nếu để xe quá tải, quá kích thước thành thùng, xe hết niên hạn sử dụng xuất phát từ các mỏ, bến, bãi trên địa bàn và hoạt động trên các tuyến, địa bàn đã được Giám đốc giao quản lý.

Kế hoạch thực hiện từ ngày 01/11/2018 đến hết 31/12/2018 gồm 02 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1, từ ngày 01/11 đến 10/11/2018: Các đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện và triển khai trong đơn vị; Hoàn thành việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban ATGT địa phương trong việc chỉ đạo huy động các cấp, ngành, đoàn thể vào cuộc thực hiện cao điểm; Hoàn thành tổ chức ký cam kết chấp hành quy định đối với các chủ mỏ, chủ bến, kho, bãi, doanh nghiệp và lái xe tải trên địa bàn.

Giai đoạn 2, từ ngày 11/11 đến 31/12/2018: Tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về quá khổ, quá tải, quá niên hạn sử dụng trên tuyến, địa bàn quản lý; có biện pháp xử lý trách nhiệm của cơ quan, ngành chức năng, chủ mỏ, chủ bến, kho, bãi để vi phạm quá khổ, quá tải phức tạp hoạt động.

Tác giả: Duy Duẩn

Nguồn tin: Báo Thương hiệu và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok