Trong nước

Giám đốc Công an không phải người địa phương: Chặn ê kíp, sân sau

Ngoài giám đốc công an cấp tỉnh không phải người địa phương, ngay cả với cấp huyện, cấp phòng cũng được thực hiện như vậy. Việc điều động, luân chuyển người đứng đầu không phải người địa phương góp phần ngăn chặn “ê kíp”, lợi ích nhóm, sân sau.

Nhìn vào danh sách các trường hợp được điều động, luân chuyển làm giám đốc công an các tỉnh, thành vừa qua, có thể thấy hầu hết các trường hợp đều không phải người địa phương. Việc điều động, luân chuyển hai chiều giữa hai tỉnh với nhau cũng không phải hiếm gặp trong thời gian qua.
Trong các vị trí giám đốc công an được điều động, bổ nhiệm vừa qua, có thể kể đến như trường hợp của đại tá Lê Xuân Minh, 44 tuổi, quê ở Hà Nội. Đại tá Minh từ Cục phó An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình.

Đáng lưu ý, trường hợp luân chuyển hai chiều giữa hai tỉnh cũng không hiếm gặp trong việc bổ nhiệm người đứng đầu ngành công an địa phương. Điển hình như trường hợp Đại tá Phan Công Bình, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định được bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi; trong khi đó, Đại tá Võ Đức Nguyện, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Bình Định.

Đại tá Lê Xuân Minh, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình. Ảnh; Vne

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, việc bổ nhiệm, luân chuyển các chức danh lãnh đạo để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp.

Đặc biệt, theo Tướng Tô Ân Xô, việc bổ nhiệm, luân chuyển đảm bảo 100% cán bộ, lãnh đạo không phải người địa phương. Bộ Công an đã hoàn thành nhiệm vụ này không chỉ ở cấp tỉnh mà cả với cấp huyện và cấp phòng.

Ngăn ngừa cấu kết, móc nối thành “ê kíp”

Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đồng Tháp) cho biết, trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong lực lượng công an, ông rất “tâm đắc và ủng hộ” việc điều động, luân chuyển người đứng đầu không phải người địa phương.

Bởi theo ông Hòa, lẽ thông thường, việc bao che, chống lưng cho người địa phương trong tỉnh rất dễ xảy ra. Thấy rõ nhất là sự việc của Đồng Nai và Thái Bình vừa qua.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đồng Tháp)

“Với một số ngành nhạy cảm, trong đó có ngành công an, người đứng đầu không phải người địa phương sẽ rất phù hợp. Bởi như vậy, người ta sẽ khách quan, công tâm, vô tư hơn trong xử lý vụ việc. Điều này cũng hạn chế tối đa tình trạng lợi ích nhóm, sân sau. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang đề cao việc phòng chống tội phạm, tham nhũng, lãng phí, việc bố trí cán bộ không phải người địa phương càng cần thiết”, ông Hòa nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá: Ngành công an đã thực hiện tương đối tốt công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, đã thực hiện người đứng đầu cơ quan không phải người địa phương. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác cán bộ.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp

Cũng theo đại biểu Hoa, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng coi việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, Luật quy định định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức (không giữ chức vụ quản lý) làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Nhiều vị trí công tác trong ngành công an thuộc nhóm công việc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, nên phải thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Ví dụ, định kỳ một cảnh sát khu vực này phải chuyển sang làm cảnh sát khu vực khác.

Đối với vị trí cán bộ quản lý thì thực hiện chính sách luân chuyển. Đây là một chính sách của Đảng trong công tác cán bộ nhằm đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo để họ có điều kiện nâng cao trình độ hiểu biết và đủ năng lực thực tiễn đáp ứng được yêu cầu của người lãnh đạo, quản lý.

“Bên cạnh mục tiêu chính nêu trên, theo tôi việc luân chuyển cũng là một giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa hiện tượng cấu kết, móc nối hình thành “ê kíp”, “đường dây” tiêu cực, tham nhũng”, bà Hoa cho hay.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok