Tại Phú Yên, Khánh Hòa, người nuôi tôm hùm đang khó khăn khi giá mặt hàng này rẻ hơn cả hồi tháng 9/2019 - khi Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch. Giá tôm hùm bông hiện chỉ còn khoảng 1,2 triệu đồng một kg, tôm hùm baby khoảng 500.000 đồng một kg.
Anh Hoàng - giám đốc một doanh nghiệp thủy sản chuyên xuất khẩu tôm hùm đi Trung Quốc cho biết, từ trước tết mặt hàng này đã khó tiêu thụ vì phía Trung Quốc giảm thu mua. Nhưng nay khi dịch Covid-19 lên cao, họ đã ngưng hẳn.
Tôm hùm trên đảo Bình Hưng - Cam Ranh. Ảnh: MH.
Tôm hùm trên đảo Bình Hưng - Cam Ranh. Ảnh: MH.
Do đó, nhiều chuỗi cửa hàng hải sản đã thu mua để hỗ trợ nông dân. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Sói Biển (Hà Nội) trước đây hiếm khi bán tôm hùm nhưng nay ông Trần Quân, CEO đã quyết định tìm đến tận vựa nuôi tôm tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ông cam kết thu mua theo số lượng đơn đặt hàng và hỗ trợ người dân với mức giá bằng và cao hơn thị trường. Sau đó, hàng được bán ra với giá hấp dẫn cho người tiêu dùng để kích cầu tiêu thụ. Ví dụ, giá tôm hùm xanh trước khoảng 400.000-500.000 đồng một con thì nay cửa hàng chỉ bán khoảng 299.000-350.000 đồng (loại 350-400 gram).
Với chi phí vận chuyển cao vì được đưa từ Nha Trang đến Hà Nội bằng máy bay, chưa kể công thu mua và bảo quản rồi giao sống 100% tới người tiêu dùng, ông Quân cho rằng mức giá 299.000 đồng là cách để hỗ trợ người nuôi bán nhanh. Đồng thời ông hy vọng sẽ xây dựng nhóm khách hàng nội địa để tôm hùm Việt bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Sau 7 ngày thực hiện kế hoạch này, lượng hàng bán ra đạt trên 1 tấn và đang tăng theo ngày.
Chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản ở TP HCM cũng chung tay hỗ trợ tiêu thụ tôm hùm. Ông Nguyễn Kỳ Phillip, chủ chuỗi này nói đang thu mua tôm hùm baby với giá 600.000-700.000 đồng một kg. Trong 5 ngày cửa hàng đã bán được gần nửa tấn tôm hùm cho người dân TP HCM - mức tiêu thụ nhanh gấp nhiều lần trước đó.
Tại đây, tôm hùm baby thay vì bán 1,2 triệu đồng được bán chỉ 750.000 đồng một kg (loại 200-300 gram một con). Với loại 3 con một kg, giá chỉ 900.000 đồng, giảm 27% so với tuần trước đó.
Ông Kỳ nói thêm, nên kết hợp với các siêu thị và chuỗi bán lẻ thuận lợi để nông dân sẽ ổn định đầu ra không chỉ trước mắt mà cả sau này.
Dù có nhiều cơ sở thu mua để tiêu thụ cho nông dân, sản lượng tiêu thụ hiện nay theo ông Nguyễn Ân – Chủ tịch UBND xã Cam Bình (Khánh Hòa) vẫn chỉ như "muối bỏ bể". Ông cho biết, tôm hùm trước đây 70% là xuất đi Trung Quốc. Toàn xã Cam Bình vẫn đang nuôi cầm chừng vì hơn 100 tấn đến thời điểm xuất chưa được thương lái thu mua dù giá chỉ 400.000-500.000 đồng một kg, mức giá theo ông là thấp nhất ba năm qua.
Tại Sông Cầu (Phú Yên) nơi có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi tôm đã đến lúc xuất bán nhưng không có thương lái đến mua. Để giảm bớt chi phí, một số hộ đã bớt khẩu phần ăn của tôm lại còn khoảng 40-60% so với trước và nuôi thêm hàu để cho tôm ăn nhằm giảm chi phí. Nhiều người dân đành tiếp tục nuôi đàn tôm quá lứa.
Trước mắt, theo lãnh đạo huyện Cam Bình (Khánh Hòa), người nuôi cần tập trung các biện pháp để lưu giữ, chăm sóc tốt và bám sát thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Địa phương cũng đang kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể, đồng thời huy động doanh nghiệp hỗ trợ xúc tiến thu mua", ông Ân cho hay.
Tác giả: Thi Hà
Nguồn tin: Báo VnExpress