Giá dầu thế giới gần đây liên tục biến động, tuy nhiên đà giảm nhiều hơn tăng, khiến cả 2 loại dầu chuẩn là Brent và WTI xuống dưới mốc 80 USD/thùng. Nguyên nhân là do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng về việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất tại các cuộc họp sắp tới. Việc này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, từ đó làm giảm nhu cầu năng lượng.
Diễn biến này khiến nhiều người đưa ra dự báo giá xăng trong nước sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 có thể giảm theo.
Giá xăng dầu sau kỳ nghỉ lễ dự báo giảm nhiệt. (Ảnh minh họa) |
Bà Phùng Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Hồng Minh (khu vực Tây Nguyên) đưa ra ý kiến dự báo: “Giá dầu thế giới gần đây có xu hướng giảm nên rất có thể trong kỳ điều hành ngày 4/5 tới, giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh giảm nhẹ”.
Bà Hồng cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp đầu mối đã chủ động tích trữ hàng đầy đủ để chủ động nguồn hàng cung cấp cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong dịp nghỉ lễ kéo dài.
Tương tự, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, cũng dự báo, với đà giảm liên tục của giá dầu thế giới thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ đi xuống. Mức giảm phụ thuộc vào việc Liên bộ Công Thương - Tài chính trích lập, chi sử dụng quỹ Bình ổn giá.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam lại cho rằng: “Dù giá xăng dầu thế giới những ngày gần đây giảm nhẹ nhưng trong cả kỳ nghỉ lễ không biết sẽ thế nào nên vẫn phải chờ. Nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong những ngày chúng ta nghỉ lễ thì kỳ điều hành tới, liên bộ Tài chính – Công Thương mới có cơ sở để giảm giá xăng dầu trong nước”.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên phải nhập khẩu.
Trong khi đó, ngành năng lượng thế giới đang có nhiều biến động do chịu tác động từ nhiều yếu tố như các lệnh cấm vận và chính sách áp giá trần của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga, nguồn cung dầu thiếu hụt, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ, xung đột Nga - Ukraine, nhất là tình hình suy thoái kinh tế thế giới...
"Suy thoái kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đi lại, giảm tiêu thụ nhiên liệu do sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp đã tác động mạnh tới giá xăng dầu. Giá dầu thế giới giảm sẽ tác động tích cực tới thị trường trong nước và có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận tải", ông Long nói.
Tại kỳ điều hành ngày 21/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương giảm giá xăng E5 RON92 485 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.688 đồng/lít; giá xăng RON95 cũng giảm 606 đồng, bán ra không cao hơn 23.639 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 752 đồng, bán ra không cao hơn 19.397 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 259 đồng, bán ra không cao hơn 19.480 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ quay đầu giảm lần thứ 2 liên tiếp. Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu (1/5) rơi vào ngày nghỉ nên lùi sang ngày 4/5 (sau kỳ nghỉ).
Tác giả: PHẠM DUY
Nguồn tin: vtc.vn