Giáo dục

Giả thuyết về ẩn ý họ tên Người – Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh chia sẻ một bài viết về giả thuyết ẩn ý trong họ và tên của Người.

LTS: Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh (Trường Đại học Tiền Giang) chia sẻ một bài viết về giả thuyết ẩn ý trong họ tên của Người - Hồ Chí Minh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Vào năm 1940, ở tuổi “tri thiên mệnh”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đổi tên thành Hồ Chí Minh và giữ mãi họ tên này.

Điều khó hiểu nhất là tại sao Người lại chuyển từ họ Nguyễn sang họ Hồ, phải chăng Người có ẩn ý?

Để tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng của một học giả, một triết gia, một vĩ nhân nhằm tìm ra những chân lý trong tư tưởng của họ thì không chỉ nghiên cứu những gì họ để lại qua học thuyết, tài liệu, những lời truyền khẩu mà còn phải tìm hiểu, nghiên cứu hoàn cảnh sống trong thời đại của họ …

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu)

Trước hết chúng ta thử tìm hiểu những nét chính trong đời sống và tư tưởng của Người.

Sinh thời, Bác Hồ am hiểu nhiều hệ tư tưởng khác nhau để từ đó chọn lọc và hấp thu những tinh hoa tư tưởng cho mình.

Người đã từng nói “…Khổng Tử, Giê su, Các Mác, Tôn Dật Tiên, … đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội.

Nếu họ còn sống trên đời này và họp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy …”[1].

Trong vấn đề tư tưởng, Trò có thể xưng hô với Thầy như vậy dù họ sống cách xa nhau hàng thế kỷ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã chứng minh cho những gì Người nói.

Tuổi thơ, Người đã được tắm mình trong nền minh triết phương Đông qua những lần được nghe Cụ Nguyễn Sinh Sắc và những người bạn đàm đạo.

Tuy nhiên lúc tuổi thơ, ý chí và tình cảm của Người cũng được tôi luyện khi phải vượt qua nỗi đau tột cùng với cảnh Mẹ bệnh mất khi Cha đang làm việc ở xa, rồi người em cũng mất vì khát sữa, vì thiếu bàn tay Mẹ …

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một học trò xuất sắc và gần gũi của Người đã từng bộc lộ “… Bác Hồ thường xem Khổng Tử là Người Thầy vĩ đại về đạo đức, Bác thích sống hòa nhập với thiên nhiên theo tinh thần của Lão Tử …”[1].

Ngôi nhà sàn của Bác với thảm thực vật và cảnh sắc thiên nhiên hữu tình trong khuôn viên Phủ Chủ tịch là một minh chứng.

Nhà sàn Bác Hồ. (Ảnh: wikipedia.org)


Tóm lại, có thể nói rằng trước khi tìm hiểu, hấp thu những tinh hoa của minh triết Phương Tây, Bác Hồ đã thấm nhuần những tinh hoa của minh triết Phương Đông.

Khi xem xét đặc tính của con người, triết học Phương Đông chỉ ra ba nhân tố khái quát là “Nhân Trí Dũng” hoặc “Bi Trí Dũng”.

Nhân hay Bi tượng trưng cho nhân tố Tình người
Trí tượng trưng cho nhân tố Trí tuệ
Dũng tượng trưng cho nhân tố Ý chí

Tâm lý học cận đại cũng xem tâm tính của con người gồm ba nhân tố là “Tình cảm, Lý trí và Ý chí”. Ở đây Tình cảm có thể hiểu là Tình người, Lý trí có thể hiểu là Trí tuệ.

Tình người, Ý chí và Trí tuệ là ba nhân tố bao trùm đời sống tinh thần, nhân cách của mỗi con người. Chi tiết hóa các nhân tố này, ta thấy:

Mối quan hệ tình cảm giữa người với người, người với thiên nhiên, với sự vật hiện tượng như sự giao tiếp, hợp tác với nhau, sự hiếu thuận, lòng nhân ái, yêu đời, sự hy sinh, nguyện vọng, tình đoàn kết, tương trợ, v.v… thuộc về nhân tố Tình người.

Sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, vượt lên chính mình như nghị lực, niềm tin, liêm khiết, uy tín, nhẫn nhục, vượt khó, dũng cảm, lập trường, không cố chấp, tu dưỡng, tự giác, dám nghĩ dám làm, trách nhiệm, chấp nhận thử thách, nhìn nhận sai lầm, v.v… thuộc về nhân tố Ý chí.

Sự động não để tư duy, xem xét đánh giá, nhìn xa trông rộng như tuệ giác, sự hiểu biết, kiến thức, năng lực, ý tưởng, năng động, sáng tạo, khả năng tự học, nghiên cứu, vận dụng sự hiểu biết để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, v.v… thuộc về nhân tố Trí tuệ.

Bác Hồ đã từng nói muốn có đạo đức Cách mạng phải có 05 điều sau: “Nhân, Trí, Tín, Dũng, Liêm”[2]. Có thể hiểu Tín, Dũng, Liêm thuộc nhân tố Ý chí.

Qua những điều cơ bản trên, có thể đề xuất một giả thuyết về ẩn ý trong họ và tên Người - Hồ Chí Minh.

Minh tượng trưng cho Trí tuệ, Chí tượng trưng cho Ý chí, vậy Hồ có tượng trưng cho Tình người không?

Cũng có thể được nếu ta hình dung một mặt hồ phẳng lặng, bao dung, tượng trưng cho lòng nhân ái, cho Tình người.

Trong các họ của người Việt, có lẽ chỉ có họ Hồ mang biểu tượng rõ nhất cho nhân tố Tình người …

Phải chăng Người muốn hàm ý nhấn mạnh một chân lý bình thường nhưng vô cùng cần thiết cho chúng ta hiện nay và mai sau, đó là giá trị của con người được đúc kết qua ba nhân tố “Tình người, Ý chí, Trí tuệ”.

Hai mục đích lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc và giải phóng con người.

Người “ra đi” khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang vào giai đoạn cuối, nghĩa là mục đích giải phóng cho Dân tộc Việt Nam sắp thành hiện thực.

Với mục đích thứ hai, phải chăng Người muốn hàm ý để lại con đường hé mở về giáo dục cho thế hệ sau bằng ẩn ý từ chính họ tên mình: HỒ CHÍ MINH?

Chân lý cũng như viên ngọc quý, thường không lộ liễu khoe mình trước thiên hạ mà ẩn nấp trong sỏi đá, đất cát, con người phải bỏ công tìm kiếm, mài dũa thì mới thật sự đem lại giá trị …

Khoảng 20 năm trước, Đảng phát động phong trào học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ 10 năm nay, Đảng tiếp tục phát động phong trào học tập và làm theo tầm gương Đạo đức Hồ Chí Minh.

Hiểu rộng ra thì Tư tưởng chính là Trí tuệ; Đạo đức hay phẩm chất chính là Tình người và Ý chí. Công dân tài đức chính là người có trí tuệ sáng suốt, tình người đậm đà, ý chí mạnh mẽ.

Bác Hồ là tấm gương rất sáng về Tài và Đức. Một nhà văn nước ngoài từng gọi Bác là bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”.

Bác Hồ đã hết lòng vì nước vì dân, suốt cuộc đời không nhận một tấm huy chương nào.

Về phần mộ của mình sau khi chết, trong Di chúc để lại, Người viết với đại ý rằng: “… đem tro (hài cốt của Người sau khi thiêu) chia làm ba phần để rãi trên ba ngọn đồi ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc… ai đến thăm thì có thể trồng một cây trên đồi để tạo bóng mát …”.

Năm 1969, dưới sự chỉ đạo của Người, các nhà xuất bản đã phát hiện 6000 gương người tốt việc tốt, in thành 6 tập sách và phát hành nhằm mục đích giúp mọi người giáo dục lẫn nhau, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[1].

Nhắc lại một vài tình tiết trên để nhấn mạnh rằng Bác rất bình dị và bản thân Bác muốn mọi người hãy xem Bác là người bình thường, không nên “Thần thánh hóa” để tôn thờ Bác một cách máy móc và hãy học hỏi những tính tốt, việc tốt của những người xung quanh trong cuộc sống đời thường vốn nhiều sắc thái, đa dạng…

Mục tiêu giáo dục trong dự thảo chương trình giáo dục tổng thể đang được bàn thảo.

Tình người – Ý chí – Trí tuệ được phân tích như trên cũng có thể được xem xét là mục tiêu giáo dục toàn diện về phẩm chất và năng lực cho học sinh…

Tài liệu tham khảo:
1. Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2003.
2. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Sự thật, 1984.

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh

Nguồn tin: Báo Giáo dục Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok