Kinh tế

Giá thịt gà, trứng chỉ giảm cục bộ, do nhu cầu mùa hè giảm

Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN về tình hình giá thịt gà, trứng gà giảm trong thời gian qua, đồng thời dự báo về giá cả gia cầm thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Trong mấy ngày qua, phóng viên Báo NTNN ghi nhận việc giá gà công nghiệp lông trắng, lông màu, giá trứng đang giảm, gà lông trắng có biểu hiện dư thừa. Cục Chăn nuôi có nắm được vấn đề này, thưa ông?

- Đúng là có tình trạng như báo phản ánh. Theo số liệu điều tra khảo sát cụ thể của Cục Chăn nuôi, tháng 12.2016 giá thịt gà công nghiệp lông trắng ở miền Bắc từ 25.000-28.000 đồng/kg thì đến tháng 5.2017 giảm còn 24.300 đồng/kg, ở miền Nam cũng thời điểm này giao động từ 23.000-25.000 đồng/kg. Đối với giá thịt gà lông màu ở miền Bắc, thời điểm này đã có xu hướng giảm so với tháng 1.2017 (62.000 đồng/kg giảm còn 61.000 đồng/kg). Ở miền Nam, giá gà lông màu nuôi công nghiệp giảm mạnh còn 21.000-29.000 đồng/kg.

Trong những tháng mùa hè, người tiêu dùng có xu hướng ăn nhiều hải sản, rau củ quả và các đồ mát khác thay thế một phần thịt gia súc gia cầm. Lúc này đang chỉ là mới tháng 5, giá gà có thể sẽ tiếp tục giảm trong một vài tháng tới. Khi bước sang mùa thu, mùa đông, giá gà và trứng sẽ bắt đầu tăng trở lại”.

Ông Nguyễn Xuân Dương

Còn đối với trứng gà, xu hướng giảm giá đang diễn ra ở cả 2 miền. Đối với miền Bắc, giá trứng giảm nhẹ, cụ thể trong tháng 3.2017 là 18.500-19.500 đồng/10 quả, thì đến tháng 5 giảm còn 17.000 đồng/10 quả. Đối với miền Nam giá trứng gà còn sụt giảm sâu hơn, nếu tháng 12.2016 có giá 17.500 – 20.000 đồng/10 quả thì đến tháng 5.2017 chỉ còn 12.500-13.000 đồng/10 quả.

Theo nhận định của ông, vấn đề đối với nghề chăn nuôi gà là gì và đã nghiêm trọng chưa?

- Việc có thời điểm giá gà lông màu nuôi công nghiệp tại miền Nam thấp hơn giá gà công nghiệp lông trắng là do trong năm 2015 các trang trại đầu tư chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng, sang năm 2016 do nguồn cung lớn, người chăn nuôi lại chuyển sang nuôi gà lông màu. Đến nay nguồn cung gà lông màu tăng mạnh, đồng thời thông tin truyền thông về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm làm cho giá gà lông màu nuôi công nghiệp giảm.

Đến tháng 4.2017, dịch cúm gia cầm vẫn còn hiện diện trên 5 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam đã chấm dứt chuỗi tăng giá ấn tượng của giá gia cầm thịt. Các mức giá cụ thể của gà thịt thì như tôi đã nói ở trên.

Bên cạnh đó gà đang giảm giá theo mùa, cụ thể thời điểm vào hè, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ thịt nói chung có xu hướng giảm nên việc giá gà giảm cũng là điều dễ hiểu. Trong những tháng mùa hè, người tiêu dùng có xu hướng ăn nhiều hải sản, rau củ quả và các đồ mát khác thay thế một phần thịt gia súc gia cầm. Lúc này đang chỉ là mới tháng 5, giá gà có thể sẽ tiếp tục giảm trong một vài tháng tới. Khi bước sang mùa thu, mùa đông, giá gà và trứng sẽ bắt đầu tăng trở lại.

Trại gà của ông Phạm Văn Tràng ở thôn 1 xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Việc giá gà giảm và có biểu hiện dư thừa ở một số loại gà liệu có tác động từ cuộc khủng hoảng lợn đang diễn ra?

- Đó cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến giá gà, việc tăng cường tiêu thụ thịt lợn thì lượng tiêu thụ thịt gà cũng sẽ giảm đi. Trong khi các cấp ngành, địa phương tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thì sản phẩm gia cầm tiêu thụ chững lại làm cho một số nơi, nhất là các tỉnh khu vực phía Bắc có một lượng không nhỏ trứng gia cầm bị ứ đọng, chậm được tiêu thụ, người dân khó tìm đầu ra... Từ đó khiến giá trứng gia cầm giảm.

Hiện nay có nơi trứng vịt giá chỉ 13.000-15.000 đồng/ chục (trong khi giá từ 18.000-20.000 đồng/chục thì mới không bị lỗ.

Theo nhận định của ông, liệu có thể xảy ra có thể xảy ra khủng hoảng về nguồn cung và giá cả đối với gà và sản phẩm trứng?

-Đây thực chất là vấn đề cung cầu như tôi nói ở trên, vấn đề ở tiêu thụ gà khác với lợn, mức độ ảnh hưởng không bằng lợn. Mức độ sản xuất ở lợn lớn hơn rất nhiều, thời gian nuôi kéo dài, lợn có trọng lượng lớn, chi phí nuôi cũng rất lớn, do vậy vấn đề bảo quản cấp đông cũng khó khăn hơn gà rất nhiều. Đối với gà, chi phí nuôi thấp, vòng đời ngắn, sản xuất nhanh, gà có trọng lượng nhỏ, nếu thừa thì dễ dàng bảo quản hơn so với lợn. Nếu gà dư thừa, chỉ cần ngừng hoặc giảm cường độ ấp nở trứng phù hợp là có thể điều chỉnh được ngay.

Vậy Cục Chăn nuôi có tham mưu cho lãnh đạo Bộ NNPTNT phương án nhằm chống khủng hoảng diễn ra với đàn gà nuôi?

- Chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến sản xuất, cung cầu, thị trường của gia cầm nói chung và thịt gà, trứng gà nói riêng để có những chỉ đạo điều tiết phù hợp. Thời gian tới nếu tình hình không khả quan hơn, chúng tôi sẽ có các văn bản chỉ đạo các địa phương có những phương án điều chỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Đình Thắng

Nguồn tin: Báo Dân việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok