Theo đăng ký trụ sở Công ty Thanh Bình chỉ là địa điểm bán quần áo. Ảnh: VT |
Giá nước đưa ra cao “ngất ngưởng”
Trong những ngày qua, dư luận ở Thanh Hóa “nóng” lên về việc Cty Thanh Bình, mới được thành lập 12 ngày (đến ngày đề xuất dự án) đề xuất UBND tỉnh này thực hiện một dự án gần 1.200 tỷ đồng. Trong khi dự án này lại là “bản sao” của một dự án đã được Thủ tướng chấp thuận cho lập báo cáo dự án xây dựng sử dụng vốn vay của ODA của Chính phủ Hungary. Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Hiện dự án đã được cấp 2 tỷ đồng lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã trình Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Dự án đang trên đà đi đúng hướng, bất ngờ Cty Thanh Bình có văn bản đề xuất thực hiện dự án tương tự, "phá ngang" dự án vay vốn của Chính phủ Hungary đang được triển khai.
Khi nhận được văn bản, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì thực hiện tham vấn các sở, ngành, địa phương về việc thực hiện dự án nước thô chuỗi đô thị dọc quốc lộ 47 TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận.
Đáng chú ý nhiều sở, ngành đã có văn bản không đồng ý, chưa có cơ sở xem xét vì nhà đầu tư chưa chứng minh được năng lực tài chính và tính hiệu quả của dự án… Những ý kiến đóng góp là vậy, Sở KH&ĐT đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh chưa có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho Cty Thanh Bình, nhưng Sở này vẫn “cố đấm ăn xôi” đề nghị UBND tỉnh báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy xem xét về, quyết định về hình thức đầu tư, nguy cơ dự án vốn vay phải rẽ theo một hướng khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm chậm trễ việc thực hiện các bước của dự án vốn vay của Hungary này.
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay Hungary. Ảnh: VT |
Để khách quan thông tin nhiều chiều, phóng viên Báo Thanh tra tiếp tục phỏng vấn những ý kiến phản biện, đóng góp của các chuyên gia, sở, ngành, hiệp hội về việc nên thực hiện dự án cấp nước thô chuỗi đô thị dọc quốc lộ 47 TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận bằng nguồn vốn nào thì người dân sẽ được hưởng lợi, đảm bảo an sinh xã hội.
Quan điểm tham gia ý kiến của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp cho Sở KH&ĐT, do Giám đốc Nguyễn Văn Nam ký cho biết: Phân tích hiệu quả tài chính của dự án của Cty Thanh Bình tại (phụ lục 2, trang 8), các yếu tố chi phí đầu tư, thời gian vận hành khai thác, giá bán nước thô năm 2022 khi dự án đi vào khai thác là 3.200 đồng/m3 và tăng với biên độ 2 năm một lần là 18,24%. Việc đưa ra giá nước thô để tính toán hiệu quả kinh tế dự án là chưa có cơ sở, bởi vì giá bán nước thô phải được thỏa thuận với các đơn vị dùng nước thì mới có cơ sở thực hiện. Nếu nhà đầu tư bán nước thô với giá đề xuất như vậy thì giá nước sạch năm 2022 ở TP Thanh Hóa sẽ là 15.000 đồng/m3, cao hơn hiện nay khoảng 5.500 đồng/m3 (tăng hơn 50%) và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo, gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực đến kinh tế xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, việc bỏ lỡ cơ hội nhận tài trợ ODA cũng sẽ ảnh hưởng đến vận động ODA cho các dự án khác của tỉnh Thanh Hóa. Hơn nữa, với việc sử dụng nguồn vốn ODA, tỉnh Thanh Hóa chỉ phải vay lại một phần, góp phần giảm giá thành nước thô, duy trì được giá thành sản xuất nước sạch nằm trong khả năng chi trả của người dân.
“Trước đó, do tổng mức đầu tư dự án lớn, tính thương mại của dự án không có, dự án mang tính an toàn xã hội và phát triển kinh tế chung của tỉnh nên kể từ khi đề xuất đầu tư, Cty CP Cấp nước Thanh Hóa đã nghiên cứu nhưng do không đảm bảo về mặt thương mại nên dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển sang vận động ODA”, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Ban này nêu quan điểm.
Đừng để xuất hiện thêm BOT giá nước
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa bức xúc: Tôi có đọc qua một số bài báo đăng trên Báo Thanh tra, một Cty Thanh Bình mới thành lập có 12 ngày thì lấy đâu ra báo cáo tài chính, uy tín, năng lực mà lại đề xuất làm dự án tới gần 1.200 tỷ đồng? Vì thế, cơ quan chức năng phải kiểm tra, chứng minh nguồn tài chính, dự toán giá nước của Cty Thanh Bình có sát với thực tế hay không. Hay là làm rồi sau này lại “cắt cổ” dân bằng giá nước. Theo tôi, đây khả năng là một doanh nghiệp “sân sau” không rõ nguồn gốc, thiếu minh bạch, thậm chí tôi là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhưng chẳng biết doanh nghiệp này là doanh nghiệp nào.
Cơ quan chức năng cũng cần phải xác minh xem doanh nghiệp này là thế nào, đừng để việc làm này lại “biến tướng” giống như BOT giao thông, làm ra là để thu tiền của dân. Nếu tính toán giá nước như Cty Thanh Bình nêu trong phụ lục dự án, giá nước thô sau 3 năm nữa sẽ phải tăng hơn 50% thì khác gì đưa dao vào “cắt cổ dân”? Lãnh đạo tỉnh ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, nhân dân chúng ta còn nghèo lắm, việc Cty Thanh Bình đưa ra giá nước cao như thế này là mù quáng, chưa sâu sát thực tế nên nếu đồng ý triển khai dự án thì khó có tính khả thi. Tôi không đồng tình với quan điểm đầu tư dự án này bằng nguồn vốn tư nhân, nên triển khai bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hungari với lãi suất thấp, ưu đãi trong nhiều năm thì người dân sẽ được hưởng lợi, mua nước với giá thấp, đảm bảo được an sinh xã hội.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi các bộ phối hợp với tỉnh Thanh Hóa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, đảm bảo tranh thủ được nguồn vốn vay của ODA trong thời gian còn hiệu lực của hiệp định khung tài trợ đã ký giữa hai Chính phủ. Ảnh: VT |
Về tham mưu của Sở KH&ĐT trong vụ này, đã khẳng định chưa có cơ sở để xem xét chấp thuận dự án cho Cty Thanh Bình mà lại đề nghị UBND tỉnh báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định hình thức đầu tư của dự án. Tôi khẳng định, đây là một chủ trương thực hiện theo chính sách pháp luật không nhất quán, không theo trình tự về pháp luật, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết cho thực hiện dựa án này rồi, triển khai rồi sao lại phải quyết lại một lần nữa? Khi tham vấn các sở, ngành, nếu quá nửa không đồng ý hoặc đưa ra những yếu tố bất lợi thì phải xem xét lại dự án, đằng này đơn vị tham mưu vẫn cố tình “lách” để trình Thường vụ Tỉnh ủy.
Nếu Thường vụ quyết định thì tôi cũng thấy lạ, vì nếu hủy một dự án có lợi cho dân, đảm bảo an sinh xã hội bằng nguồn vốn ODA, đưa tư nhân vào thay thế thực hiện dự án này với giá nước cao “cắt cổ”, để người dân phải chịu thiệt thòi thì phải được làm rõ và xử lý nghiêm.
Tác giả: Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Thanh tra