Thể thao

Gãy chân 3 lần vẫn chống nạng ra sân xem Công Phượng thi đấu

Giữa dòng người chen chân qua cửa soát vé vào sân vận động Thống Nhất chiều 20.12 xem U.21 HAGL - U.21 Thái Lan là một chàng trai, áo đỏ, khăn đỏ, tập tễnh chiếc nạng đỡ cái chân trái bó bột trắng toát.


Huỳnh Thi chống nạng đến sân Thống Nhất chiều 20.11. Ảnh - Nghĩa Trần

Đó là Huỳnh Thi, 24 tuổi, quê ở Đăk Lăk, đang làm việc tại TP.HCM. Huỳnh Thi mê mẩn môn thể thao vua từ nhỏ. Anh đá bóng bất kể lúc nào có thời gian, tham gia hầu hết các giải bóng đá cho các lứa tuổi thiếu nhi, thanh niên tại Đăk Lăk. Học cao đẳng ngành công nghệ thông tin tại TP.HCM rồi đi làm, đam mê bóng đá với Huỳnh Thi chưa bao giờ vơi đi.

“Tôi đá banh (đá bóng) bất cứ lúc nào có thời gian rảnh và có lịch thi đấu. Có tuần đá banh cả 7 ngày, mỗi ngày có thể đá 2- 3 trận”, chân sút quen thuộc trên các sân cỏ nhân tạo quận Tân Bình, TP.HCM cho biết.

“Bác sĩ nói tôi sẽ không được đá bóng nữa”

Huỳnh Thi bị gãy chân phải bó bột đến nay đã 3 lần, tất cả đều vì đá bóng. Lần đầu tiên bị vỡ xương bánh chè năm 2011, lần thứ 2 hồi tháng 9 năm 2016 bị gãy xương chày, xương mác. Sau khi tháo bột được ít ngày, Thi bị trượt chân và phải bó bột lần thứ 3, đến ngày hôm nay.

“Tôi đã nghỉ làm việc được 3 tháng nay, bác sĩ nói sẽ phải nghỉ khoảng 1 tháng nữa. Còn đá bóng, bác sĩ yêu cầu tôi chấm dứt nếu không muốn cái chân sẽ gãy tiếp. Tuy nhiên, tôi yêu lắm, nhớ lắm, tôi sẽ không bỏ được đâu”, Huỳnh Thi bộc bạch.


Gãy chân nhưng ước mơ và đam mê với trái bóng tròn chưa bao giờ vơi trong Huỳnh Thi.Ảnh - Nghĩa Trần

Suốt 3 tháng qua, Huỳnh Thi vẫn ra sân phủi xem bạn bè đá bóng. Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên đang diễn ra tại sân Thống Nhất, Huỳnh Thi đặt mua một lúc 3 vé cho 3 trận đầu tiên, sau đó chống nạng ra sân, ngồi giữa hàng ngàn cổ động viên áo đỏ và la hét cùng trái bóng, dù không thể nhún nhảy như những người bạn quanh mình.

“Tôi đi xe ôm Grab đến sân, rồi lại đi xe ôm về. Bóng đá là niềm yêu thích, động lực của tôi, tôi không thể từ bỏ”, Thi chia sẻ. Về lời dặn dò của các bác sĩ về việc không được chơi bóng trong tương lai, Huỳnh Thi rụt rè: “Chắc tôi không làm được. Tôi sẽ chuyển sang làm thủ môn, vị trí ít phải di chuyển hơn”.

Huỳnh Thi yêu mến Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn. Anh không thất vọng về kết quả của U.21 HAGL trong trận mở màn, ngược lại, còn tin tưởng dưới sự dẫn dắt của “thầy Giôm” - tên thân mật của HLV Guillaume Graechen, HAGL sẽ lần thứ 3 vô địch U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, lập cú hattrick.

Anh cảm thông với Công Phượng: “Hãy cho cậu ấy thêm thời gian, một người ngồi ở ghế dự bị quá lâu, để có được cảm giác bóng chưa thể một sớm một chiều”.


Huỳnh Thi bó bột chân đến nay đã 3 lần, bác sĩ cấm anh đá bóng tiếp, tuy nhiên, điều này thật khó với Thi. (ảnh do nhân vật cung cấp)

Thuở bé, Huỳnh Thi từng ao ước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, anh trai anh (người mê và giỏi đá bóng không kém gì Huỳnh Thi) từng xuống TP.HCM đăng ký cho anh vào trường năng khiếu thể dục thể thao, tuy nhiên Thi không đủ chỉ tiêu. Lớn lên, đi học và đi làm một công việc không liên quan đến bóng đá (Thi là nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên về thực phẩm của Hàn Quốc), Huỳnh Thi vẫn coi bóng đá là niềm đam mê số 1.

Vị trí sở trường là tiền đạo, thường đá sân 5 người hoặc 7 người, nơi sinh hoạt thường xuyên của cây ghi bàn 24 tuổi này là My Friends FC. Anh cũng từng tham gia nhiều giải bóng đá nghiệp dư như cúp bia Sài Gòn năm 2013, giải hội người Đăk Lăk tại TP.HCM…, tuy nhiên, chưa lần nào đội bóng của Huỳnh Thi đoạt cúp. “Đó không phải là điều quan trọng nhất với tôi. Tôi yêu bóng đá và tìm thấy ở nó niềm vui, sự giải tỏa căng thẳng khỏi những áp lực xung quanh mình”, Thi nói.

Tác giả bài viết: Thiên Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok