May mắn thoát “án tử”
Đinh Đường (SN 1995) còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Vinh, chàng trai người Ma Coong này sinh ra và lớn lên tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, một trong những xã miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình.
Nhìn Đinh Đường bây giờ, ít ai có thể ngờ rằng em đã từng từ cõi chết trở về khi may mắn thoát khỏi một hủ tục rùng rợn của đồng bào Ma Coong nơi biên giới, đó là hủ tục “mẹ chết chôn con theo”.
Mẹ ruột của Đinh Đường là chị Y Xoang, trú tại một bản làng xa xôi của xã Thượng Trạch. Cũng như bao người phụ nữ khác, cuộc sống của chị Xoang vô cùng vất vả, bữa đói, bữa no. Mang thai Đinh Đường, vì thiếu ăn nên chị Xoang bị suy dinh dưỡng nặng, khi sinh con, người mẹ này đã không may kiệt sức mà qua đời.
Đinh Đường (bên phải) đang thực tập sư phạm tại Trường Tiểu học Hải Thành (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). |
Theo quan niệm lúc bấy giờ của đồng bào dân tộc nơi Đinh Đường sinh ra, đứa bé mới chào đời thì thuộc về người mẹ. Nếu chẳng may người mẹ qua đời thì “hồn ma” mẹ sẽ về bắt đứa bé đi, ai mà nuôi đứa trẻ đó cũng bị “hồn ma” mẹ phạt vạ. Người đàn bà nào dám cho đứa trẻ đó bú mớm là chống đối với quan niệm của bản, rồi cũng bị “hồn ma” mẹ “ám” cả đời. Do vậy, nếu mẹ chết thì dân bản sẽ tiến hành chôn cả mẹ lẫn con dù đứa trẻ còn sống.
Cũng như nhiều đứa trẻ không may mất mẹ trong lúc sinh nở, Đình Đường bỗng biến thành nạn nhân của hủ tục. Khi người mẹ vừa qua đời, đồng bào Ma Coong cũng đã chuẩn bị mọi thủ tục để chôn đứa bé Đinh Đường theo cùng.
Đúng vào giờ đã định, con trai Y Xoang được già làng đưa xuống dưới chân mẹ rồi từ từ đưa chân người mẹ đã chết chặn lên cổ họng cháu bé mặc cho đứa bé gào khóc. Đến khi nào tắt thở, thi thể cháu bé sẽ được mang đi chôn cùng mẹ.
Theo lời kể của nhiều người dân, hôm đó dân bản kéo đến rất đông để chuẩn bị đưa tiễn mẹ con Y Xoang về với Giàng (trời). Bên xác chị là đứa bé đỏ hỏn đói sữa khóc ngặt nghẽo.
Giữa đám đông lúc này bất ngờ xuất hiện một người đàn ông miền xuôi tên là Nguyễn Diệu, chứng kiến hình ảnh đứa bé rơi vào “án tử” của hũ tục người này đã không thể làm ngơ. Anh Diệu xông vào giữa đám đông giằng lấy đứa trẻ rồi một mực cầu xin mọi người đừng giết Đinh Đường.
Thế nhưng anh Diệu bị dân làng hết mực phản đối. Anh Diệu đã phải đi cầu xin từng người một và thề độc độc “có chuyện gì xảy ra, tôi xin chịu tội chết”. Sau đó, Đinh Đường được anh Diệu mang đi và nhận làm con nuôi. Anh đặt cho cậu bé một cái tên khác là Nguyễn Văn Vinh.
Anh Nguyễn Diệu vốn sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi học hết THPT, ông theo bạn bè đi làm kinh tế thu mua mây song xuất khẩu tại xã Thượng Trạch rồi bén duyên, ở lại lập nghiệp, lấy vợ sinh con ở vùng đất này cho đến nay.
Thầy giáo trẻ với ước mơ xây dựng quê hương
Với cái tên Nguyễn Văn Vinh, cậu bé Đinh Đường được đến trường, được học chữ nhờ công ơn của bố mẹ nuôi. Giờ đây, anh là sinh viên năm cuối khoa Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Quảng Bình và đang thực tập tại một trường tiểu học ở TP Đồng Hới.
Đinh đường trở thành sinh viên đại học là điều mà rất ít ai làm được ở vùng đất Thượng Trạch, nơi số người đi học đại học chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Với kiến thức vốn có, chàng trai luôn ấp ủ ước mơ về với quê hương, xây dựng những bản nghèo nơi biên giới đi lên. Để những bước chân học trò dân tộc sẽ tìm được con chữ, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Đinh Đường đang nỗ lực hết mình để học tập, nuôi dưỡng ước mơ xây dựng quê hương |
“Được lên thành phố học là một điều may mắn đối với em, mong muốn rằng khi ra trường, kết thúc kỳ thực tập sẽ được về quê hương. Mang những gì em học được về với các em nhỏ, để rồi tương lai có thể xây dựng những bản làng thoát ra khỏi cái nghèo, cái khó. Em cũng muốn sẽ có nhiều bạn ở địa phương được lên thành phố học, để được mở mang tầm mắt và có vốn hiểu biết về xã hội, cuộc sống nhiều hơn”, Đinh Đường chia sẻ.
Đinh Đường cũng cho biết, bản thân mình vốn là một nạn nhân của hủ tục, cũng bởi vì cái nghèo, cái đói và nhận thức hạn chế. Thế nên khi học hỏi được nhiều điều từ cánh cửa đại học, Đường thường về quê để nói chuyện với bà con dân bản, tránh xa những hủ tục. Bên cạnh đó là lợi ích của việc học, về cách mà người đồng bằng làm ăn để đồng bào học hỏi theo.
Đường luôn khao khát được trở về, gieo chữ cho học sinh dân tộc trên mảnh đất quê hương |
Sự trái ngược hoàn toàn giữa nơi rừng núi em sinh ra và thành phố cậu theo học đã gieo vào tâm trí cậu một ước mơ rằng, một ngày nào đó, quê hương của cậu cũng sẽ phát triển như dưới đồng bằng.
Hiện nay, Đinh Đường đang trải qua kỳ thực tập và đã được đứng trên bục giảng dạy cho các em học sinh ở Trường Tiểu học Hải Thành (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Ấp ủ hoài bão lớn, hàng ngày Đinh Đường vẫn đang cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để đóng góp, xây dựng quê hương.
Tác giả: Tiến Thành - Đặng Tài
Nguồn tin: Báo Dân trí