Trước những thông tin về hành động cao đẹp của cựu chiến binh Hoàng Trung Thực, chúng tôi đã tìm về thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) để thăm ông.
Quán sửa xe đạp của ông Thực rộng chừng 5m2 nằm cạnh tuyến đường quốc lộ 15B, được lợp bằng tranh nứa, phía dưới là bộ đồ nghề với đủ thứ như: cờ lê, mỏ lết, kìm, búa, vít, bu lông...
Vừa cặm cụi sửa chiếc xe đạp cho người dân kịp chuyến đi chợ, ông Thực vừa chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên vùng đất đồi núi, đến tuổi thanh niên ông đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc vào vùng Đồng Nam Bộ đóng tại Đồng Nai, Tây Ninh, Sài Gòn làm lính bộ binh. Xuất ngũ trở về quê, ông làm đủ thứ nghề để kiếm sống như lao động chân tay, nông nghiệp, sửa chữa các đồ vật nhỏ trong gia đình...
Trong góc quán nhỏ, ông Thực luôn miệt mài với công việc sửa xe đạp cho người dân và các em học sinh. |
“Cách đây hơn 1 năm, khi tôi đang sửa mấy vật dụng trong nhà thì thấy hai đứa trẻ đi học về đang mệt nhọc dắt bộ chiếc xe đạp giữa trưa vì bị đứt xích. Nghe các cháu bảo về đến nhà phải mất gần 3 cây số mà trên đường về không có quán sửa xe nào. Thương các cháu nên tôi đã quyết tâm sửa bằng được, xong việc hai đứa trẻ ngần ngại không dám lấy xe để về vì không có tiền trả cho tôi. Hiểu ý bọn trẻ, tôi bảo là sửa miễn phí, nhìn chúng cảm ơn bằng ánh mắt thân thiết rồi lên xe về mà lòng tôi vui đến lạ. Từ đó, tôi quyết làm thợ sửa xe đạp để sửa xe miễn phí cho những cháu học sinh nghèo” - ông Thực kể về cơ duyên đến với nghề sửa xe đạp.
Các em học sinh trường Tiểu học xã Mỹ Lộc cho biết, nhiều lúc buổi trưa ông Thực đang ăn cơm, nghe các em học sinh gọi ngoài sân, ông vội buông bát cơm chạy ra. Biết ngay trẻ gọi sửa xe đi học, ông xách sẵn bộ đồ nghề, sửa xong để các cháu lên đường mới vào ăn cho xong bữa.
Nhiều lúc đang ăn cơm nhưng ông Thực bỏ dỡ bữa ăn để sửa xe cho các em học sinh. |
Không chỉ sửa xe đạp miễn phí cho các em học sinh nghèo, hơn 1 năm nay, ông Thực đã dành dụm tiền mua 12 chiếc xe đạp cũ về sửa sang tặng lại cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có xe tới trường.
“Nhiều lần chứng kiến rất những đứa trẻ phải cuốc bộ 2 đến 3 km để đến trường, ngày nắng thì chúng thường đi với nhau nói chuyện vui vẻ còn đỡ, ngày mưa gió có những đứa khi về ngang quán vào trú mưa, cả người ướt sũng, đứng co ro vì lạnh. Nhìn mà thấy tội biết mấy, trong lòng tôi nghĩ phải giúp được gì cho các cháu” - ông Thực cho biết lý do mà ông tặng xe cho các em học sinh.
Do điều kiện kinh tế không có, loay hoay mãi đến đầu năm nay, ông Thực mới dành dụm được ít tiền. Có tiền ông liền đến các cửa hàng phế liệu mua lại những chiếc khung xe còn tốt. Sau đó mới mua phụ tùng lắp ráp chắc chắn để tặng các cháu.
Từ việc mua, cóp nhặt những phụ tùng từ các bãi phế liệu, ông Thực đã biến chúng thành những chiếc xe đạp chắc chắn để tặng cho học sinh nghèo. |
“Sắp tới tôi sẽ đến tận từng nhà các cựu chiến binh trong làng trong xã xem ai còn chiếc xe đạp cũ nào không dùng đến, thì sẽ vận động các đồng chí tặng hoặc bán lại để tôi sửa để cho những đứa trẻ ở đây có phương tiện đi học cho đỡ vất vả chú à” - ông Thực cho biết thêm.
Trong 1 năm qua, ông Thực đã tặng cho các em học sinh trên địa bàn xã Mỹ Lộc 12 chiếc xe đạp. |
Chị Lê Thị Hòa (thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc) cho biết, ông Thực được cả thôn Sơn Thủy yêu quý. Ai cũng khen vợ chồng ông là người nhân đức, luôn giúp đỡ mọi người. Thấy ông thương con trẻ, hàng xóm giúp ông thêm các dụng cụ để ông sửa xe. Đến con trẻ trong xóm, đứa nào cũng quý ông Thực, những em học trò ở đây luôn gọi ông là “ông bụt”.
Những chiếc xe đạp của ông Thực đã mang lại rất nhiều niềm vui, tiếp bước cho các em học sinh nghèo đến trường. Ông luôn được các em nhỏ ở vùng quê này gọi là "ông bụt". |
Được biết cuộc sống hiện tại của ông Thực còn nhiều khó khăn, ngoài chế độ hàng tháng 1.670.000 đồng vì mang trong mình di chứng chất độc da cam, ông chỉ biết gắn bó với nghề sửa xe đạp nhưng chủ yếu là ông làm miễn phí.
Ông Trần Đình Trung - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: “Ông Thực là người công dân rất tốt, xông xáo và nhiệt tình trong tham gia hoạt động xã hội. Trước đây ông làm việc cộng đồng như làm xóm trưởng được người dân ở đây rất yêu mến. Đặc biệt ông Thực rất yêu quý trẻ con, là một tấm gương về hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ, rất yêu thương đồng đội và giàu lòng nhân ái”.
Tác giả: Tiến Hiệp
Nguồn tin: Báo Dân trí