Nhân ái

Gập ghềnh đường đến trường của cậu học trò có mẹ ung thư, cha ngẩn ngơ

Công việc duy nhất anh Thái Văn Khanh làm được là đi chăn bò. Gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai chị Nguyễn Thị Thảo. Căn bệnh ung thư vú quật ngã chị khiến ngôi nhà vốn đã chông chênh trở nên rệu rã. Con đường đến trường của cậu học trò Thái Văn Đạt càng mờ mịt hơn…

Căn nhà tối om om, chị Nguyễn Thị Thảo (SN 1969, trú xóm 9A, xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An) nằm mê man trên giường. Chị Thảo vừa mới trở về sau 1 tháng rưỡi xạ trị ngoài Hà Nội với bầu ngực phải đã bị cắt bỏ hoàn toàn. Biết có khách nhưng chị không gượng dậy nổi, đôi mắt đờ đẫn mở ra rồi nhắm lại, miệng mấp máy không nói thành lời. Từ khóe mắt, giọt nước ứ ra, chảy tràn xuống sống mũi…

Căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối khiến chị Thảo kiệt quệ sau thời gian dài điều trị
Căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối khiến chị Thảo kiệt quệ sau thời gian dài điều trị

Ông Ngô Xuân Thành – xóm trưởng xóm 9A cho biết: "Anh Khanh khù khờ từ bé, lại thêm căn bệnh viêm da chữa mãi không khỏi nên hai cẳng chân lúc nào cũng xù xì lở loét. Khi lấy vợ thì tình trạng cũng không khá hơn bao nhiêu. Ở nhà bố mẹ bảo gì làm nấy, mà công việc duy nhất anh Khanh làm được là đi chăn bò ngoài bãi. Hàng tháng anh Khanh được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người tàn tật (chế độ 202) nhưng không đủ chi tiêu cho bản thân".

Một người đàn ông khù khờ và một người phụ nữ quá lứa gộp vào nhau thành một gia đình. Năm 2001, Thái Văn Đạt – quả ngọt của cuộc hôn nhân vá víu - ra đời. Gánh nặng gia đình càng dồn lên vai người phụ nữ khi chồng không có khả năng lao động, con tuổi ăn tuổi lớn.

Sự sống đếm từng ngày nên mỗi khi nhắc đến con, chị Thảo chỉ biết khóc..
Sự sống đếm từng ngày nên mỗi khi nhắc đến con, chị Thảo chỉ biết khóc..

Chị Thảo bươn chải ngoài đồng, trên vườn, cào cấu chỉ mong đủ ngày 3 bữa cơm cho chồng con. Nỗi lo toan gia đình choáng hết tâm trí của người phụ nữ này đến nỗi khi những cơn đau ở ngực phải nhói lên, sức khỏe giảm sút, chị cũng không dám đi viện để khám. Đến khi đau chịu không nổi thì chị ngất lịm bởi cái “án tử” đã treo lơ lửng trên đầu mình tự bao giờ.

Cả nhà có con bò quý giá nhất cũng phải bán để chữa bệnh mong níu giữ được tính mạng cho chị Thảo. Phẫu thuật cắt hoàn toàn ngực phải, trải qua hàng chục mũi hóa chất ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, chị Thảo được chuyển ra Hà Nội để tiếp tục chữa trị.

Xác nhận của UBND xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An về hoàn cảnh gia đình chị Thảo
Xác nhận của UBND xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An về hoàn cảnh gia đình chị Thảo

“May mà ngoài Hà Nội còn có đứa cháu họ đỡ đần chứ chị Thảo đi viện có trông mong gì được ở ông chồng khù khờ và thằng con trai chưa kịp lớn. Tội lắm, anh em gom góp cho được ít tiền, ra Hà Nội ăn không dám ăn, chờ đến khi bệnh nhân cùng phòng ăn xong thì xin phần cơm thừa của người ta. Hết đợt điều trị thì về nằm bẹp trên giường, không gượng dậy được nữa…”, ông Thành thở dài.

Nhà không còn gì để bán, anh Khanh cũng chả có việc gì làm. Người bà con thương tình nhờ anh đi chăn bò, nếu bò đẻ con sẽ được nhận con bê làm vốn. Sáng anh Khanh lùa bò ra bãi, trưa lùa về. Lúc nào tỉnh táo thì anh Khanh còn biết nấu cơm giúp vợ con, nếu không, chỉ biết ngồi lặng thinh trước bàn đợi con về.

Cha ngẩn ngơ, mẹ ung thư giai đoạn cuối khiến con đường đến trường của Thái Văn Đạt trở nên gập ghềnh hơn bao giờ hết
Cha ngẩn ngơ, mẹ ung thư giai đoạn cuối khiến con đường đến trường của Thái Văn Đạt trở nên gập ghềnh hơn bao giờ hết

Anh em họ hàng ở gần có hôm nấu cháo mang qua cho chị Thảo hay cắm giúp cho nồi cơm. Ai cũng có gia đình, có cuộc sống riêng, thương chị Thảo, thương anh Khanh, thương Đạt lắm nhưng chỉ giúp được phần nào thôi.

Gần trưa, Thái Văn Đạt (lớp 11A, Trường THPT Đinh Bạt Tụy) đi học về, mồ hôi nhễ nhại. Chỉ kịp cất cặp sách, thay quần áo, Đạt chạy đi lấy khăn, nhúng nước, vắt thật khô cần mẫn lau mặt, lau tay cho mẹ. Đôi mắt chị Thảo lại chứa chan nước…

Ngoài mấy trăm nghìn trợ cấp dành cho người tàn tật, anh Khanh không có thu nhập nào khác. Hàng ngày anh đi chăn bò hộ cho anh em để lấy con bê làm vốn sau khi đàn bò của gia đình mình đã bị bán lấy tiền chạy chữa cho vợ
Ngoài mấy trăm nghìn trợ cấp dành cho người tàn tật, anh Khanh không có thu nhập nào khác. Hàng ngày anh đi chăn bò hộ cho anh em để lấy con bê làm vốn sau khi đàn bò của gia đình mình đã bị bán lấy tiền chạy chữa cho vợ

Đạt sửa soạn nấu cơm. Bữa cơm trưa nay chỉ là cơm trắng và canh cà nấu suông. Từ hồi mẹ ngã bệnh, có cơm ăn cho no bụng với bố con Đạt cũng là may mắn lắm rồi.

Thương hoàn cảnh của em, nhà trường cũng đã phát động thầy cô giáo và các bạn học sinh trong trường ủng hộ. Ban giám hiệu cũng tạo điều kiện giảm cho em một số khoản đóng góp nhưng trong hoàn cảnh như vậy, Đạt cũng không có tâm trí đâu để tập trung cho việc học hành.

Đôi chân đầy những vết sẹo, vết thương chưa lành của anh Khanh
Đôi chân đầy những vết sẹo, vết thương chưa lành của anh Khanh

Chị Nguyễn Thị Thúy - cán bộ Đoàn Thanh niên xã Hưng Long cho biết: "Gia đình anh Khanh, chị Thảo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vừa rồi Đoàn xã phối hợp với chùa Long Hoa tổ chức đêm nhạc thiện nguyện quyên góp được 22 triệu đồng ủng hộ cho gia đình. Mong sao chị Thảo có điều kiện chữa trị tốt hơn để em Đạt yên tâm hoàn thành chương trình phổ thông".

17 tuổi trông Đạt vẫn còn khá ngờ nghệch và trẻ con. Đạt cũng không dám nghĩ tới cuộc sống sau này, khi mẹ không còn ở bên em được nữa. Em không khóc, đôi bàn tay gầy guộc bóp mãi trên cánh tay đã rệu rã của mẹ mong có thể san sẻ một phần nỗi đau mẹ đang gánh chịu.

Một mai mẹ không còn, bố ngẩn ngơ như thế, em biết bấu víu vào ai để đi nốt chặng đường học vấn, sau này có thể tìm cho mình một con đường riêng?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Thảo, xóm 9A, xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An

SĐT: 01633 26 39 06 - em Đạt, con chị Thảo (gọi ngoài giờ đi học)

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok