Kinh tế

Gặp đối thủ mạnh, Grab bắt đầu xuống nước

Vận hành chưa đầy 1 tháng nhưng độ phủ sóng của Go-Viet đang ngày càng mạnh mẽ và được dự báo sẽ trở thành đối thủ hàng đầu của Grab tại Việt Nam.

Thời gian qua, sau khi thâu tóm Uber, Grab một mình một chợ, không có đối thủ. Từ đó, nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến thái độ của tài xế Grab với khách hàng, chất lượng dịch vụ, giá cước tăng giảm vô tội vạ, tự ý nâng chiết khấu với tài xế...

Thị trường sau đó xuất hiện một loạt ứng dụng gọi xe khác như Vato, Xeno, Go-ixe, ABER, Mailinh... nhưng mức độ phủ sóng của các hãng này quá nhỏ, không đủ sức làm đối trọng với Grab. Nguyên nhân chủ yếu do các hãng không đưa ra các chính sách khuyến mãi đủ mạnh để hút khách, cũng như các kênh quảng bá còn khá yếu.

Trong khi đó, dù mới chính thức vận hành chưa đầy 1 tháng nhưng độ phủ sóng của Go-Viet (Indonesia) đang ngày càng mạnh mẽ và được dự báo sẽ trở thành đối thủ hàng đầu của Grab tại Việt Nam. Ở thị trường Đông Nam Á, Go-Jek (chủ quản của Go-Viet) là đối thủ trực tiếp của Grab.

Go-Viet cho biết hiện lực lượng Go-Bike của hãng đã lên đến vài ngàn xe và đang hoạt động tại 12 quận nội thành TP HCM. Để mở rộng thị phần, Go-Viet đưa ra hàng loạt chính sách có lợi khách hàng lẫn tài xế. Cụ thể, khách di chuyển với khoảng cách từ 8 km trở xuống chỉ thanh toán 5.000 đồng và Go-Viet "bù lỗ" cho bác tài 25.000 đồng/chuyến. Chính sách này đã lôi kéo được rất nhiều tài xế tham gia Go-Viet. Ông Bùi Thanh Minh, vừa gia đăng ký chạy cho Go-Viet, cho biết "cuốc xe 5.000 đồng" đang thu hút lượng khách khá lớn, mỗi ngày nếu chịu khó cũng kiếm được bạc triệu.

Bên cạnh đó, chương trình chuyến xe thứ 13 cũng thúc giục nhiều tài xế siêng "cày" hơn. Với chính sách này, mỗi ngày nếu bác tài đạt đến cuốc xe thứ 13 sẽ được thưởng 220.000 đồng.

Một "cuốc" xe Go-Viet chỉ có 5.000 đồng đang thu hút khách

Một số vị khách vì sự phục vụ "độc quyền" của Grab gần đây kém thân thiện, lại hay hủy chuyến và để khách đợi rất lâu nên họ chuyển sang Go-Viet dùng thử. Chị Trần Thị Thanh Tuyền (nhân viên văn phòng ở quận 5) cho biết: "Tôi hay sử dụng Grab-Bike nhưng từ khi chuyển sang dùng Go-Viet được một thời gian, thấy thái độ phục vụ thân thiện, cởi mở hơn hẳn. Có lẽ trong thời gian tới tôi sẽ dùng Go-Viet lâu dài. Tuy nhiên, tôi hy vọng có thêm Go-Car để mỗi trưa mấy chị em trong công ty rủ nhau đi ăn sẽ tiện và tiết kiệm hơn". Chị còn bảo Grab, VATO và các hãng gọi xe khác nên học hỏi Go-Viet để cải thiện chất lượng phục vụ.

Trong khi nhiều tài xế GrabBike lại than phiền cả ngày chạy chưa chắc kiếm được 600.000 đồng, thì nhiều người chạy cho Go-Viet chỉ cần chạy một buổi có đã có ngần ấy tiền. Do đó, có hiện tượng nhiều tài xế GrabBike sang đầu quân cho Go-Viet.

Các tài xế GrabBike cho biết Go-Viet đang lấy đi nhiều khách lẫn lái xe đã phần nào tác động đến lãnh đạo của Grab ở Việt Nam. Mới đây hãng này buộc phải thay đổi cách tính chiết khấu mới cho tài xế. Theo đó, trong tuần nếu tài xế chạy được từ 6 cuốc xe trở lên sẽ được tính mức chiết khấu giảm 3%, tức từ 20% xuống còn 17%; chạy được từ 30 cuốc trở lên sẽ được chiết khấu 15% và chạy từ 50 cuốc trở lên được chiết khấu 10%.

Tuy nhiên, theo nhiều tài xế, mức chiết khấu dù giảm nhưng vẫn còn là quá cao vì nhiều hãng gọi xe công nghệ khác thậm chí không thu chiết khấu.

Tác giả: Nguyễn Hải-Xuân Mơ

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: xuống nước , Go-Viet , đối thủ , grab

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok