Sáng 7-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nhiều ĐB đồng tình với nội dung của Nghị quyết và cho rằng đây là điều cần thiết để xử lý cục máu đông của nền kinh tế. Tuy vậy, bên cạnh đó nhiều ĐB cũng băn khoăn việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ hội cho người gây ra nợ xấu thoát tội.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại phiên thảo luận QH sáng 7-6. |
Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), đề án xử lý nợ xấu đến nay đã xử lý được hơn 50% và phần còn lại cũng rất nhiều. ĐB đề nghị Nghị quyết cần có quy định rõ ràng về xử lý trách nhiệm của cá nhân/tổ chức gây ra nợ xấu. “Trong dự thảo nghị quyết đã có nói đến không dùng ngân sách nhưng chưa nói đến trách nhiệm... Cần xác định và xử lý trách nhiệm”- ĐB đề nghị.
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, việc xử lý nợ xấu đã xử lý được phần nào nhưng nó vẫn là cục máu đông ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp. Hiện vốn của DN đều dựa vào ngân hàng là chính, việc xử lý nợ xấu là đặc biệt quan trọng và cấp thiết, rất khó khăn nhưng không thể kéo dài.
Một điều được ĐB Vượt băn khoăn là số liệu về tỉ lệ nợ xấu như báo cáo đã đúng chưa, đủ chưa hay vẫn còn giấu diếm, cần phải minh bạch để có biện pháp xử lý rõ ràng. “Đặc biệt ở những ngân hàng lớn có vốn Nhà nước tỉ lệ nợ xấu rất nhỏ nhưng con số tuyệt đối lại rất lớn, bằng cả chục ngân hàng nhỏ cộng lại. Phải nhận rõ ngân hàng nào có tỉ lệ nợ xấu cao nhất và con số tuyệt đối cao nhất để xử lý. Đồng thời cũng cần làm rõ trách nhiệm của từng giai đoạn để xử lý nợ xấu. Chúng ta cần làm rõ khái niệm nợ xấu, có quy định chặt chẽ, tránh lỗ hổng để dễ bị lợi dụng”- ĐB này nêu rõ.
Giải trình thêm về các ý kiến của ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng nguyên nhân nợ xấu gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể, về khách quan, thời gian qua sự bất ổn chính trị, kinh tế thế giới tác động rất mạnh và gây rủi ro rất lớn đến sản xuất kinh doanh trong nước.
Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng còn khó khăn, chất lượng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh. Một yếu tố khá quan trọng khác là thị trường bất động sản có thời gian dài trầm lắng. Giữa bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả còn thấp, nên khi có biến động từ bên trong và bên ngoài đã khiến các doanh nghiệp này vô cùng khó khăn. Thực tế đó đã gián tiếp và trực tiếp gây ra nợ xấu. “Đáng chú ý nhiều khách hàng vay ngân hàng còn chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ” – Ông Hưng cho hay.
Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan đó là quy trình tín dụng của một số ngân hàng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng.
Năng lực quản trị rủi ro của một số ngân hàng còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt… Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay. Một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định.
Mặt khác, theo người đứng đầu NHNN, công tác thanh tra, giám sát của NHNN thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong tình hình mới. Một số ít cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng còn vi phạm pháp luật.
Cũng theo Thống đốc, thông qua công tác thanh tra giám sát, NHNN đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra.
Cụ thể, từ năm 2011-2016, theo thống kê Bộ Công an, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.
Theo Thống đốc, trong việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể gây ra nợ xấu, tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ cũng đã bàn rất kỹ, và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. “Các hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- Thống đốc nhấn mạnh.
Tác giả: Trà Phương
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM