Chiều 5/11, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa 16, một số đại biểu đã nêu thông tin gần 1.200 giáo viên hợp đồng các cấp học từ tháng 9 đến nay không được nhận lương.
Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Phạm Quang Hưởng trình bày, năm học 2017-2018, toàn tỉnh tăng 4 trường học, trong đó riêng huyện Gia Lộc tăng 42 lớp, gồm 20 lớp mầm non, 17 lớp tiểu học, 5 lớp THCS. Đối chiếu với định biên tỉnh giao toàn huyện thiếu 71 giáo viên.
"Để đảm bảo công tác dạy và học, các trường buộc phải ký hợp đồng với giáo viên”, ông Hưởng nói và cho biết nếu ngân sách không bố trí cho số giáo viên hợp đồng thì mỗi năm huyện thiếu khoảng 4,5 tỷ đồng trả lương.
Trong gần 1.200 giáo viên hợp đồng của tỉnh Hải Dương chưa được nhận lương, nhiều cô giáo mầm non của thành phố Hải Dương đã xin nghỉ việc. Ảnh: Giang Chinh |
Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó phòng Giáo dục TP Hải Dương, cho hay riêng số giáo viên hợp đồng bậc mầm non toàn thành phố có hơn 400 người, chưa kể hàng trăm giáo viên Tiểu học, THCS và THPT chưa có lương. Việc Kho bạc dừng trả lương kéo theo một số hệ lụy như ách tắc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gây khó khăn cho cả nhà trường và người lao động.
Một số giáo viên hợp đồng đến thời kỳ sinh nở hay ốm đau đi khám chữa tại bệnh viện không được thanh toán bảo hiểm y tế. Bà Duyên lo lắng đã có 24 giáo viên nghỉ dạy để tìm công việc khác. “Nếu tháng tới tiền lương của giáo viên tiếp tục không được thanh toán, chắc sẽ có thêm nhiều người xin nghỉ… và nguy cơ một số trường sẽ phải tạm đóng cửa”, bà Duyên nói.
Theo ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có hơn 4.050 giáo viên hợp đồng ở tất cả cấp học, trong đó 1.190 người 3 tháng nay không nhận được lương, 61 người đã xin nghỉ việc.
Ông Lương giải thích, do tỉnh giao chỉ tiêu biên chế giáo viên thấp hơn mức quy định của Bộ Giáo dục, trong khi đó số học sinh những năm qua tăng mạnh. Riêng năm 2017-2018, toàn tỉnh tăng thêm 10.300 học sinh. Nhiều trường đã sử dụng giải pháp tình thế là tăng sĩ số lớp từ 30 lên 50 học sinh để không tuyển thêm giáo viên hợp đồng, nhưng lại kéo theo chất lượng dạy và học đi xuống.
"Quan điểm của ngành giáo dục là giáo viên làm việc đúng vị trí việc làm phải được trả lương. Thời gian tới, ngành sẽ rà soát, nếu trường nào hợp đồng giáo viên không phù hợp với vị trí việc làm sẽ xử lý nghiêm…", ông Lương nói.
Kết luận vấn đề, Phó bí thư Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn khẳng định chủ trương của tỉnh là giao cho ngành giáo dục tổng rà soát thừa bao nhiêu tiết học chưa có giáo viên dạy trên cơ sở định mức biên chế tỉnh giao để cấp tiền cho các trường thuê giáo viên. Về lâu dài, ngành giáo dục phải tính toán đưa biên chế từ trường thừa sang trường thiếu. Sau khi luân chuyển, nếu các trường vẫn còn thiếu biên chế, tỉnh mới tính toán bổ sung.
Hiện việc chi trả 3 tháng lương cho gần 1.200 giáo viên hợp đồng vẫn chưa được đề cập thời gian cụ thể.
Tác giả: Giang Chinh
Nguồn tin: Báo VnExpress