Số hóa

Galaxy S9 có cứu được 60 tỷ USD của Samsung?

Mẫu smartphone Galaxy S9 mới nhất được xem là cứu cánh cho giá cổ phiếu Samsung giảm kịch trần từ cuối năm ngoái.

Chỉ trong bốn tháng qua, Samsung đã mất tới 60 tỷ USD do giá cổ phiếu giảm mạnh. Hãng đang hy vọng Galaxy S9 sẽ giúp lấy lại những gì đã mất, cả lòng tin người dùng lẫn giá trị tiền bạc.

Tuy nhiên, Sat Duhra - người đang quản lý 371 tỷ USD của quỹ đầu tư Janus Henderson Investors - lại không nghĩ vậy.

Janus Henderson Investors đã cắt giảm vốn đầu tư cho Samsung và các đối tác Hàn Quốc khác trong bối cảnh nhu cầu smartphone giảm mạnh còn giá phần cứng lại tăng.

Trong khi đó, Morgan Stanley cũng có quan ngại tương tự sau khi đánh tụt hạng tín nhiệm Samsung trong tháng 11/2017.

Hai "át chủ bài" Galaxy S9 và S9 Plus được Samsung đặt nhiều kỳ vọng.

Cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại và chip nhớ lớn nhất thế giới Samsung đã giảm kỷ lục 18% từ đầu tháng 11/2017 trong bối cảnh các nhà đầu tư hoài nghi về triển vọng của công ty này.

Tại sự kiện MWC 2018 vừa diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha), Samsung đã ra mắt bộ đôi Galaxy S9 và S9 Plus mới. Máy được trang bị nhiều tính năng hấp dẫn như emoji thực tế tăng cường, nâng cấp camera và loa stereo nhằm cạnh tranh với iPhone X.

Thế nhưng Sat Duhra lại không đánh giá cao Galaxy S9. “Không có đột phá lớn nào so với mẫu smartphone trước. Thiết bị di động giờ đây đã bão hòa và không có tính năng mới nào khiến người dùng phải trầm trồ”, Sat Duhra lại nhận định.

Sat Duhra cũng không hy vọng mảng kinh doanh chip nhớ của Samsung sẽ hái ra tiền, đồng thời cho rằng hãng công nghệ Hàn Quốc sẽ không thể kiếm được nhiều lợi nhuận như năm ngoái.

Mặc dù các công ty môi giới giảm mức xếp hạng và triển vọng lợi nhuận của Samsung nhưng mức nắm giữ cổ phần của hãng này đã tăng 10% trong thời gian qua, theo số liệu từ Bloomberg.

Đây là mức nắm giữ cao nhất kể từ tháng giêng năm 2017 khi Samsung khôi phục sau bê bối pin Galaxy Note 7 phát nổ.

Khi Morgan Stanley giảm mức xếp hạng từ cao xuống trung bình, ngân hàng đầu tư này cho rằng đà tăng trường chip nhớ, vốn chiếm 2/3 doanh thu hoạt động của Samsung, đang rất thấp.

Trong báo cáo cuối tháng 2 vừa qua, Morgan Stanley cũng đề cập tới rủi ro ngắn hạn với Samsung, chẳng hạn thị trường smartphone đã chín mùi, đang ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh trọng yếu khác. Smartphone là trụ cột tăng trưởng của Samsung giúp mang lại 1/5 lợi nhuận cho công ty này.

Doanh số smartphone toàn cầu chỉ tăng 2,7% trong năm 2017, đạt 1,54 tỉ thiết bị, theo số liệu của Gartner. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi Gartner bắt đầu tổng hợp dữ liệu từ năm 2011.

Quý IV vừa qua, doanh số smartphone toàn cầu đã giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên smartphone có mức giảm sâu sau nhiều năm tăng trưởng liên tục.

Trong khi đó, tổ chức tài chính Susquehanna Financial Group cũng hạ cấp đánh giá cổ phiếu Samsung từ mức “tích cực” trong tháng giêng đầu năm xuống mức “trung bình”.

Lý do là Samsung không cho thấy chiến lược rõ ràng với mảng kinh doanh di động trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng cao, đồng thời tình hình kinh doanh chip nhớ có dấu hiệu xấu đi.

Vừa ra tù, Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong được kỳ vọng sẽ vực dậy Samsung.

Tuy nhiên, Samsung vẫn còn con bài chiến lược khác. Sự trở lại của phó chủ tịch Lee Jae-yong, còn có tên khác là Jay Y. Lee, được kỳ vọng sẽ vực dậy Samsung khỏi sóng gió thời gian qua.

Ông Lee được trao trả tự do từ tháng trước sau khi tòa phúc thẩm Hàn Quốc đảo ngược phán quyết trước đây cáo buộc Lee hối lộ.

Chèo lái Samsung trong bối cảnh hiện tại là nhiệm vụ không hề dễ dàng với ông Lee. Nhu cầu tất cả mảng phần cứng chủ chốt của Samsung như TV, smartphone, và màn hình đang rất thấp.

Tác giả: Gia Nguyễn

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: Galaxy S9 , samsung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok