Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan khi đạt kim ngạch 218 tỷ USD. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2018 vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ước tính vào khoảng 240 -242 triệu USD, tăng từ 12% - 14% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ, trong xu thế kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao trong năm 2017 cũng như nửa đầu năm 2018, cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã hoàn tất thủ tục pháp lý, chuẩn bị được ký kết và đi vào thực thi trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, hiệp định thương mại tự do cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong 10 năm tới, khi Việt Nam cũng như các quốc gia châu Âu phải cắt giảm tới 99% hàng rào thuế quan cho các loại hàng hóa xuất - nhập khẩu.
Hệ thống thông quan tự động giảm thiểu tối đa quy trình làm thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu. |
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Việt Nam cũng đã phải đối diện với 13 vụ kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường nhập khẩu khác nhau,… đây là những khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Để tạo thuận lợi cũng như thúc đẩy việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thời gian tới, ông Cao Huy Tài, Phó Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế 1 cửa quốc gia và ASEAN (Tổng cục Hải quan) nhìn nhận, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sử dụng trang thiết bị hiện đại thời gian qua đã tăng cường quan hệ đối tác giữa hải quan với doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan điện tử.
Từ năm 2014 đến nay, ngành hải quan đã thực hiện hệ thống thông quan tự động theo tiêu chuẩn tương đương với các quốc gia hàng đầu trên thế giới. Đến nay, đã có 99,95% doanh nghiệp tham gia thực hiện thông quan tự động, với thời gian thông quan từ khi tiếp nhận tờ khai đến trả kết quả đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây với tỷ lệ phân loại hàng hóa luồng xanh, đã có 65% doanh nghiệp xuất khẩu có thể thực hiện thủ tục thông quan tại nhà.
Bên cạnh đó, hệ thống tính thuế của ngành đã được kết nối với kho bạc và ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay đã có 38 ngân hàng thương mại kí kết thỏa thuận hợp tác với hải quan, số ngân sách thu được từ việc nộp thuế điện tử chiếm đến 90% đồng thời rút ngắn thời gian nộp thuế từ 1 - 2 ngày xuống còn có 3 phút cho doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi trên mọi phương tiện...
“Trong năm 2018, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành Hải quan phấn đấu triển khai thêm 130 thủ tục mới trên tổng số 284 thủ tục. Đồng thời phối hợp với các nước ASEAN triển khai thí điểm tờ khai ASEAN cũng như chứng nhận kiểm dịch điện tử. Bên cạnh đó, nội hàm của cơ chế một cửa quốc gia cũng sẽ được mở rộng, bao gồm những bên liên quan tham gia vào chuỗi dây chuyền cung ứng từ nhà sản xuất đến các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu”, ông Tài nói.
Để tạo nguồn tài chính hỗ trợ xuất – nhập khẩu và cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh của OCB cũng cho biết, cùng với việc hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu, OCB đã có sự phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến. Cổng thông tin sẽ cung cấp thêm các thông tin về khách hàng, đầu vào, đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tăng kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài.
“Từ trang thông tin này hy vọng sẽ cung cấp nhiều đơn hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời cũng như đưa ra các giải pháp tài chính toàn diện hoặc chuyên biệt tạo sự thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới”, bà Anh cho biết./.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo VOV