Đến nay 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm nặng nay đã từng bước khắc phục. |
Chiều 20/7, bộ Tài nguyên và Môi trường họp báo công bố báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2016.
Theo đó, bộ Tài nguyên Môi trường công bố nhiều vấn đề nổi cộm ô nhiễm môi trường năm 2016 được dư luận quan tâm.
Báo cáo của bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết: “Trong thời gian qua, ở một số nơi, đã xảy ra các vụ việc, sự cố về môi trường. Một số vụ có phạm vi tác động ở quy mô lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường. Điển hình như sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do nước thải của công ty Formosa Hà Tĩnh.
Sự cố này đã gây ra những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường. Đến nay, sau 1 năm kể từ khi xảy ra sự cố, Chính phủ và các địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng môi trường biển, hoạt động xả thải và việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của công ty Formosa.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân, hướng dẫn cho người dân trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ bình thường đối tất các phương thức nuôi; khai thác hải sản trên các vùng biển…”.
Formosa chôn hàng trăm tấn chất thải xuống đất khiến môi trường miền Trung ô nhiễm nặng. |
Tuy nhiên, đáng tiếc trong báo cáo của bộ Tài nguyên Môi trường không hề nhắc đến việc công ty Formosa bị phát hiện chôn dưới đất hơn 100 tấn chất thải do báo điện tử Người Đưa Tin phát hiện.
Về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt trên diện rộng tại hồ Tây (Hà Nội). Theo đó, trong những ngày tháng 9 và sang đầu tháng 10/2016, cá tại hồ Tây chết hàng loạt với khối lượng ước tính khoảng 190 tấn.
Nguyên nhân được cho rằng nước hồ Tây ô nhiễm nặng chất hữu cơ. Quá trình oxy hóa mạnh diễn ra trong nước hồ dẫn tới sự thiếu hụt oxy, đồng thời sinh ra khí độc HN3 là những yếu tố gây ra hiện tượng cá chết.
Cũng trong báo cáo, bộ Tài nguyên Môi trường chỉ ra ô nhiễm nước sông Bưởi (Thanh Hóa) do nước thải sản xuất chưa qua xử lý xả ra môi trường.
Theo đó từ tháng 3-4/2016 Nhà máy mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm hạ lưu sông Bưởi và làm cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Nước thải của nhà máy đã làm nước sông Bưởi bị ô nhiễm, đổi màu đục, nổi bọt và bốc mùi hôi thối. Nước sông ô nhiễm đã đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của người dân tại 15 xã của huyện Thạch Thành và nguy cơ lan đến 7 xã khác của huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).
Bên cạn đó, bộ Tài nguyên Môi trường cũng công bố hàng loạt các sự cố ô nhiễm môi trường khác như ô nhiễm nước sông Cẩm Đàn (Bắc Giang) do nước thải khai thác khoáng sản chưa qua xử lý xả thải vào sông.
Sự cố ô nhiễm môi trường do vỡ bể chứa bùn thải chì tại thị trấn Pác Miều (Cao Bằng) xảy ra vào tháng 1/2016. Sự cố ô nhiễm môi trường KCN Tằng Lỏong (Lào Cai) kéo dài nhiều năm qua gây bức xúc cộng đồng. Ô nhiễm môi trường do vỡ hồ chứa nước và bùn thải khai thác Titan tại Bình Thuận.
Tác giả: Vũ Phương
Nguồn tin: Báo Người đưa tin