Ngày 15/4, người dùng Internet phát hiện Facebook đang cung cấp bản đồ sai lệch về chủ quyền Việt Nam. Theo đó, ở mục chọn vị trí đối tượng chạy quảng cáo, khi người dùng nhập từ khóa "Trung Quốc", Facebook khoanh vùng, hiển thị vị trí lãnh thổ của quốc gia này theo màu sắc.
Lúc này, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị Facebook cho hiển thị cùng màu (xanh) với Trung Quốc. Trong khi đó, khi tìm khu vực Việt Nam, phần lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa không hiển thị màu xanh.
Facebook hiển thị sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. |
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện công ty luật Phan Law, việc làm này vi phạm Điều 100 của Nghị định 15/2020 do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/4.
Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng cho hành vi chủ động đăng, phát, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia.
Trả lời Zing, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết việc xử phạt Facebook đang ở mức độ yêu cầu gỡ bỏ nội dung.
"Theo thông tư 38 của Bộ TT&TT, đối với doanh nghiệp xuyên biên giới thì Cục sẽ yêu cầu họ thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung vi phạm trên nền tảng, vì họ không có đại diện pháp lý ở Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do nói.
Đồng thời, đại diện Cục cho biết sáng 16/4, Cục đã gửi công văn cho Facebook. Họ đã hợp tác và khắc phục ngay. Cục cũng yêu cầu họ phải thông tin đến báo chí về vấn đề này và cách khắc phục của họ.
Người dùng bày tỏ thái độ giận dữ với Facebook trên nhiều kho ứng dụng. |
Theo thông lệ quốc tế, những nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động ở nước nào thì phải tuân thủ quy định của nước đó. Trong quy định của Việt Nam hiện nay, khi cơ quan chức năng xác định được nội dung vi phạm trên nền tảng, họ phải chịu trách nhiệm hợp tác để gỡ bỏ theo yêu cầu.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, pháp luật Việt Nam không giới hạn nhưng năng lực thực thi pháp luật sẽ có giới hạn. Trong trường hợp này, Việt Nam phản đối một cách nghiêm túc và đúng đắn với những tổ chức thể hiện sai bản đồ Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xử phạt trực tiếp có thể áp dụng khi Facebook có đại diện thương mại tại Việt Nam.
Đây không phải lần đầu Facebook cung cấp thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trước đó vào năm 2018, mạng xã hội này cũng gộp Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc trái phép theo cách trên.
Tháng 7/2018, Ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, cho rằng Facebook không chỉ phải xin lỗi, cải chính mà cần bồi thường thiệt hại khi đăng thông tin sai lệch như vậy - nhất là vấn đề lớn như chủ quyền, lãnh thổ. Cơ quan chức năng cũng có thể yêu cầu các doanh nghiệp, người dân không quảng cáo trên Facebook.
Bên cạnh phản đối, yêu cầu xin lỗi, sửa đổi và ngừng quảng cáo, giới nghiên cứu trong nước cũng cần có hành động cụ thể nhằm phản đối Facebook.
“Rất nhiều Facebooker tại Việt Nam bất bình, nhưng bất bình là chưa đủ mà cần có hành động rõ ràng”, thạc sĩ Hoàng Việt - giảng viên Đại học Luật TP.HCM chia sẻ.
“Chúng ta nên viết một lá đơn rõ ràng, chỉ ra những điểm sai của Facebook, gửi cho công ty này. Cần lên tiếng một cách bài bản và tập thể. Trong sự kiện bản đồ của Hội Địa lý Mỹ bị sai về Hoàng Sa - Trường Sa, các trí thức Việt kiều đã gửi một lá thư trực tiếp lên Hội Địa lý Mỹ. Trong vụ Google Maps, rất nhiều học giả cũng đã vào cuộc.
Trong vụ việc này, chúng ta cần phối hợp giữa các nhà khoa học, chính quyền, viết một lá thư chính thức, gửi đến công ty mẹ của Facebook ở Mỹ và Facebook Việt Nam tại Singapore, yêu cầu Facebook có hành động. Cần nêu rõ các luận điểm sai ở đâu, cần sửa như thế nào, kêu gọi dư luận ký tên. Cần tạo một áp lực rõ ràng. Tôi cho rằng Facebook chắc chắn phải thay đổi”, ông Việt nói.
Tác giả: Trọng Hưng & Tuấn Anh
Nguồn tin: zing.vn